(HNM) - Là một trong 12 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Thanh Oai, vườn hoa lan hồ điệp của anh Ngô Minh Trưởng ở xã Mỹ Hưng chỉ vỏn vẹn 2.500m2 nhưng mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là mô hình nhỏ nhưng hiệu quả lớn, rất phù hợp với sản xuất nông nghiệp ven đô, được huyện Thanh Oai khuyến khích nông dân nhân rộng.
Giữa tháng 9, thời tiết còn khá oi nóng nhưng không gian bên trong khu trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao của anh Ngô Minh Trưởng lại rất mát mẻ. Đó là nhờ hệ thống nhà màng, nhà lưới, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng phù hợp...
Anh Ngô Minh Trưởng cho biết, mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao được anh triển khai từ năm 2019 với diện tích 1.500m2, quy mô 45.000 cây. Lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Năm 2019, vụ lan đầu tiên anh Trưởng trồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thu 3,6 tỷ đồng. Năm 2020, anh Trưởng tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng gần 80.000 cây lan hồ điệp. Hiện vườn lan sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Đặc biệt, mô hình trồng hoa lan của anh Ngô Minh Trưởng đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động thời vụ. Chị Phạm Thị Huyên, ở thôn Thiên Đông (xã Mỹ Hưng) làm việc tại vườn lan cho biết: "Công việc của tôi hằng ngày là theo dõi hệ thống quan trắc để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng của vườn lan. Thông thường, khi cây lan còn nhỏ, chúng tôi nuôi cây ở nhiệt độ 29-30 độ C; khi thúc hoa, nhiệt độ vườn sẽ được hạ xuống 18 độ C". Nhờ ứng dụng công nghệ cao, tuy vườn có hàng chục nghìn gốc lan nhưng chỉ cần 4 lao động trực tiếp. Chị Huyên làm việc tại vườn 2 năm nay với mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Lan, mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao là mô hình trồng lan đầu tiên và là một trong 12 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Qua so sánh, hoa lan được trồng tại Thanh Oai có chất lượng tương đương loại trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Điểm thuận tiện là khi thu hoạch ở Thanh Oai, chở ra nội đô chỉ mất 2 giờ xe chạy nên hoa lan rất tươi, không bị dập nát, có sức cạnh tranh cao. Để khuyến khích mở rộng mô hình, Thanh Oai đã hỗ trợ đơn vị khoảng 400 triệu đồng mua giống và đưa công nghệ vào sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết thêm: Cùng với nhiều huyện ven đô, Thanh Oai có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, do vậy, bài toán nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác được huyện đặc biệt quan tâm. Từ hiệu quả mô hình trồng hoa lan, Thanh Oai đang khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ nông dân nhân rộng loại hình sản xuất này nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.