(HNMO) - 3 năm trở lại đây, mô hình trồng nho hạ đen tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) được nhiều hộ dân lựa chọn vì là cây trồng mới, hợp thổ nhưỡng, đem lại giá trị kinh tế cao. Không chỉ vậy, đây còn là mô hình du lịch trải nghiệm được nhiều người yêu thích.
Đến tham quan vườn nho tại xứ đồng Bãi Tổng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) của gia đình anh Nguyễn Hữu Hợi khi vụ nho đầu tiên của năm 2022 sắp kết thúc, ai cũng thích thú ngắm nhìn những chùm nho căng mọng, chín thẫm, thơm ngào ngạt. Nhà vườn mở cửa đón khách ngay từ sáng sớm tinh mơ tới chiều muộn. Khách đến mua nho về ăn, biếu người thân hay đến để chụp hình lưu niệm đều được chủ vườn chào đón nhiệt tình.
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lan, người dân xã Đan Phượng đến mua nho và dẫn theo con gái nhỏ đến chụp ảnh, chị cho biết, nhà chị gần vườn, tuần nào cũng đến mua nho về ăn. Nho ngon, sạch, giá vừa phải, đồng thời tranh thủ cho con gái nhỏ trải nghiệm tự hái nho mua về biếu ông bà, rất thú vị.
Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng vườn nho ngay giữa lòng Hà Nội, chị Nguyễn Thị Dung, ở quận Hà Đông chia sẻ: "Tôi từng đi du lịch và chụp ảnh về các vườn nho tại Ninh Thuận, Đà Lạt... Cảm giác vào vườn hái nho, chụp những bức ảnh đẹp thực sự là niềm vui không nhỏ. Nay chỉ cần di chuyển hơn 20km từ nội đô về Đan Phượng, tôi đã có trải nghiệm đặc biệt này"...
Với giá bán 150.000 đồng/kg tại vườn, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, vườn nho hạ đen của ông Nguyễn Hữu Hợi còn là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn. Hiện, giá vé vào cửa là 30.000 đồng/người, trẻ em được miễn phí vé vào cửa, trung bình mỗi ngày, nông trại của ông Hợi tiếp đón vài chục khách, có ngày đoàn lên tới cả trăm người. Nho hạ đen mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 10, sản lượng khoảng 3,5-4 tấn/vụ, thu khoảng 400 triệu đồng/vụ.
Theo ông Hợi, ý tưởng kết hợp trồng nho với du lịch sinh thái để khách được tự cắt những chùm nho yêu thích xuất hiện ngẫu nhiên. Ban đầu, thấy khách đến mua nho tại vườn thích thú mô hình trải nghiệm du lịch, gia đình đã học cách làm.
"Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, cũng còn nhiều khó khăn và chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Để bảo đảm lượng khách đến vườn đông hơn nữa, sắp tới, gia đình sẽ điều chỉnh kỹ thuật để nho chín rải vụ, theo khu vực và trồng thêm dâu tây", ông Hợi chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có một số hộ thử đưa giống nho Ninh Thuận về trồng nhưng không phù hợp khí hậu nên không đạt năng suất, chất lượng.
Năm 2019, sau khi tìm hiểu, nhận thấy nho hạ đen không hạt phù hợp khí hậu miền Bắc, một số hộ đã tham gia mô hình trình diễn cây trồng giống mới, năng suất chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu đó là nho hạ đen của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng.
Sau 3 năm trồng nho hạ đen, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các đơn vị chuyên ngành, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng tự tin về quy trình trồng, chăm sóc giống nho này. Không chỉ ở xã Đan Phượng, nhiều hộ dân ở các xã: Hạ Mỗ, Trung Châu, Phương Đình... cũng đã bén duyên và thành công với mô hình trồng nho hạ đen kết hợp tham quan, trải nghiệm...
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền, nho hạ đen là giống rễ trần, có sức sống bền bỉ, tốc độ phát triển rất nhanh nhưng yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm, giống nho này cho sản lượng cao, hiệu quả kinh tế tốt, tuy nhiên, công đoạn chăm sóc cũng nhiều, chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn (1 tỷ đồng/ha). Hiện nay, hầu hết mô hình nho hạ đen trên địa bàn đều được cơ quan chức năng hỗ trợ, giám sát kỹ thuật, nông dân chủ yếu dùng phân hữu cơ, thuốc thảo mộc nên chất lượng quả ngon, an toàn lại bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến nay, chất lượng quả của các vườn nho ngày càng được nâng cao, thơm ngon; khách tham quan hài lòng và giới thiệu bạn bè, người thân tới trải nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.