Những năm gần đây, đến địa phương nào cũng có thể bắt gặp những đoạn đường, tuyến phố được gắn biển
Mô hình "đoạn đường tự quản" là các tổ chức đoàn thể đứng ra chịu trách nhiệm quản lý một đoạn đường nhất định, đảm nhiệm một số nhiệm vụ như: Giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự, văn minh đô thị. Ở các vùng nông thôn, "đoạn đường tự quản" thường gắn với việc giữ gìn vệ sinh môi trường là chính, còn với các vùng đô thị, "đoạn đường tự quản" bao hàm nhiều phần việc như: Nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi; vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; kinh doanh đúng nơi quy định… Về lý thuyết, mô hình này ra đời để đẩy mạnh phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể với các phong trào chung của địa phương. Với ý nghĩa tích cực đó, mô hình "đoạn đường tự quản" không ngừng được nhân rộng ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Song, trên thực tế mô hình "đoạn đường tự quản" không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Ở những vùng nông thôn, tại những đoạn đường gắn biển "tự quản" rác vẫn đổ bừa bãi. Còn tại các khu đô thị, nhiều "đoạn đường tự quản" còn tệ hại hơn khi nhiều đống rác đổ tùy tiện ngay bên cạnh thùng đựng rác.
Đi trên các tuyến phố, dễ dàng bắt gặp vi phạm như vậy tại đường "tự quản". Điển hình như tuyến phố Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được gắn biển "tuyến đường cựu chiến binh xã tự quản" nhưng ngay chân tấm biển có rất nhiều người lấn chiếm lòng đường để bán hàng, vỉa hè cạnh đó cũng bị người dân tận dụng làm nơi kinh doanh vật liệu xây dựng. Hay ngay tại tấm biển chỉ ngách 477/1 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) treo lơ lửng tờ quảng cáo rao vặt, cho dù cạnh đó là tấm biển "đoạn đường phụ nữ tự quản" (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân)... Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh cũng bị mọi người làm ngơ, những vi phạm đó chỉ bị xử lý khi có sự vào cuộc của công an hay lực lượng chức năng... Có lẽ, ở nhiều địa phương mô hình tự quản chỉ phát huy được tác dụng khi thôn, tổ dân phố phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường hay trong những dịp lễ, Tết, kỷ niệm lớn của địa phương...
Những vi phạm như vứt rác bừa bãi, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... vẫn diễn ra thường xuyên ở ngay cả những đoạn đường gắn biển "tự quản" nhưng ít khi được các hội, đoàn thể... nhắc nhở vì nhiều người quan niệm đó là việc của công an, lực lượng chức năng... Nhiều người cho rằng, lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ còn chẳng ăn ai thì Hội phụ nữ hay Đoàn thanh niên có nhắc nhở cũng không thấm vào đâu... Tâm lý đó khiến nhiều "đoạn đường tự quản" khó đi vào trật tự và lộn xộn vẫn diễn ra hằng ngày... Từ thực tế này, cần có sự điều chỉnh hoạt động của các mô hình cho phù hợp với thực tế, tránh "bệnh" hình thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.