Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình có thể nhân rộng

Quỳnh Dung| 18/04/2012 07:26

(HNM) - Sau hơn 3 tháng đưa lò giết mổ gia súc tập trung ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì vào vận hành, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn và các vùng lân cận đã giảm đáng kể.


Công ty cổ phần Thịnh An đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở giết mổ ở xã Vạn Phúc (Thanh Trì).

Sau khi lò mổ Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì dừng hoạt động vào cuối năm 2010, công tác quản lý, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn rất phức tạp. Toàn huyện phát sinh mới 9 điểm giết mổ tự phát, bên lòng đường, lề đường… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công suất giết mổ của các điểm giết mổ cũ tăng gấp 3 - 4 lần. Huyện Thanh Trì được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho xây dựng cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm thủ công tập trung tại xã Vạn Phúc, thuộc vùng bãi sông Hồng với diện tích 1,4ha trong đó nhà xưởng là 8.000m2, chia ra 26 ô, công suất 1.500 con/ngày-đêm do Công ty cổ phần Thịnh An làm chủ đầu tư. CSGM tập trung này hoạt động ổn định từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Huyện Thanh Trì đã đạt được mục tiêu "xóa sổ" 100% các CSGM nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, giải quyết được nhu cầu dân sinh bức xúc. Sau hơn 3 tháng lò giết mổ tập trung ở Vạn Phúc hoạt động, đã có 23/26 ô hoạt động với công suất 600-700 con/ngày-đêm, cao điểm đạt 900 con/ngày-đêm, đạt trên 50% công suất. Toàn bộ các hộ đã ký cam kết thực hiện giết mổ theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá, đây là một mô hình tập trung hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu dân sinh. Nếu mỗi huyện trên địa bàn Hà Nội xây dựng được một cơ sở tập trung theo mô hình này, thì cơ bản công tác giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát, hạn chế được những điểm giết mổ nhỏ lẻ tràn lan như hiện nay.

Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh An, Chủ CSGM Thịnh An Nguyễn Anh Tuấn cho biết, vấn đề khó hiện nay là xử lý ô nhiễm môi trường. Do khó khăn về kinh phí nên công ty mới xây dựng trạm xử lý biogas 2.200m3 có 2 bể lắng vớt rác sau đó xả vào hầm biogas với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Để xử lý nước thải hiện cơ sở mới làm đường ống tạm thời nhưng kinh phí đầu tư đã tới 800 triệu đồng. Do chưa có hệ thống hoàn chỉnh nên nguồn nước thải mới qua kênh dẫn xuống ao lắng tạm và dẫn ra sông Hồng. Để khắc phục tình trạng này công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Thăng Long xây dựng trạm xử lý nước thải, với kinh phí 1,5 tỷ đồng, công suất 250m3/ngày-đêm. Dự kiến, cuối tháng 5, khi trạm xử lý này hoạt động sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề nước thải tại CSGM. Tổng mức đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, và phúc lợi xã hội khác để bảo đảm cho cơ sở vận hành đã lên tới 22 tỷ đồng, trong khi ban đầu chỉ dự kiến khoảng 7 tỷ đồng. Anh Tuấn đề xuất, TP nên có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và hóa chất để xử lý nước thải, khử trùng tiêu độc môi trường cho các CSGM gia súc, gia cầm tập trung. Đồng thời hỗ trợ cơ sở có đường điện riêng để cơ sở hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn:
Đây là cơ sở giết mổ tập trung làm điểm của huyện nên còn nhiều khó khăn, hiện tại vấn đề xử lý môi trường đang được giải quyết. Ngoài xây dựng hệ thống xử lý nước thải, huyện chỉ đạo cơ sở này trồng cây xanh xung quanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời các ngành chức năng của huyện sẽ quản lý chặt chẽ việc kiểm soát thú y và ATVSTP. Đề nghị TP Hà Nội sớm thực hiện chính sách hỗ trợ, từ việc thuê mặt bằng, đầu tư xây dựng; tạo điều kiện cho cơ sở tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất nhằm chấm dứt được các lò mổ nhỏ, lẻ khắc phục ô nhiễm môi trường và bảo đảm vệ sinh thú y.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình có thể nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.