(HNM) - Thực tế vẫn còn nhiều rào cản về điều kiện vật chất, con người và cơ chế thực hiện mô hình
"Bác sĩ gia đình" là mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Người bị bệnh nhẹ sẽ được giải quyết tại phòng khám bác sĩ gia đình chứ không phải đến bệnh viện. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được chuyển lên đúng tuyến. Mục tiêu là vậy, nhưng theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), mô hình "Bác sĩ gia đình" ở trạm y tế xã, phường còn nhiều trở ngại, cả về điều kiện vật chất, con người và cơ chế thực hiện. Hiện tại, trạm y tế trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện - đơn vị chưa được phép ký kết bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH. Nếu trạm y tế muốn làm bảo hiểm y tế cho người dân thì phải thông qua các bệnh viện quận, huyện, điều này đã hạn chế người đến khám, điều trị phòng khám bác sĩ gia đình.
Một phòng khám bác sĩ gia đình tại Quận 2. |
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, dù triển khai thí điểm tại 10 bệnh viện quận, huyện và hơn 30% trạm y tế xã, phường, đội ngũ bác sĩ gia đình tại các trạm y tế phường, xã vẫn còn nhiều lúng túng, chưa hiểu hết được bản chất của một bác sĩ gia đình khác với một bác sĩ điều trị bệnh nhân thông thường. Một số bác sĩ chưa đặt bệnh nhân của mình vào môi trường sống, gia đình của chính bệnh nhân, qua đó hiểu về điều kiện sống cũng như tâm sinh lý của người bệnh để điều trị. Ông Tăng Chí Thượng cho rằng, bác sĩ gia đình không chỉ khám và điều trị bệnh nhân của mình lúc bệnh, mà ngay cả lúc họ không bệnh đồng thời thường xuyên tư vấn về cách chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân của mình. Chỉ như vậy thì vai trò của bác sĩ gia đình mới phát huy hiệu quả cao nhất.
Khắc phục những hạn chế trên, nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn đầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nên làm thí điểm và có chính sách hỗ trợ, đầu tư thật sự cho một số trạm y tế, nếu làm tốt thì mới nhân rộng. Một số trạm y tế phường, xã có vị trí tốt, nên xây dựng, phát triển thành một phòng khám gia đình thu nhỏ với sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên. Ngoài ra, ngành y tế cần đầu tư, thực hiện chuẩn hóa các xét nghiệm tại trạm y tế, tránh tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến phải làm lại xét nghiệm ở tuyến trên, gây lãng phí.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng hệ thống thông tin quản lý bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh bác sĩ gia đình và bệnh viện; hướng dẫn thực hành khám chữa bệnh và chuyển bệnh nhân của mạng lưới bác sĩ gia đình trên địa bàn thành phố. Mong rằng với những biện pháp và lộ trình từng bước, mô hình phòng khám "Bác sĩ gia đình" sẽ tạo được niềm tin cho người bệnh ở TP Hồ Chí Minh, góp phần giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.