(HNM) - Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 4-2-2021, đã "mở đường" cho ngành công nghệ vũ trụ phát triển mạnh trong giai đoạn mới. Thông qua các chương trình vũ trụ, Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, tạo ra thị trường mới và khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo.
Mang lại nhiều lợi ích
Công nghệ vũ trụ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các vệ tinh mà nước ta đang sở hữu đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy lấy ví dụ, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tương đương khoảng 3 tỷ USD, do thiên tai. Nếu có ảnh vệ tinh, có thể dự báo chính xác bão, lũ, ngập…, dù không khống chế được toàn bộ, song cũng sẽ giảm thiểu thiệt hại nhờ chủ động phòng tránh. Chưa kể, còn rất nhiều những lợi ích không thể tính cụ thể được bằng tiền như phục vụ công tác quy hoạch, truy tìm nguồn gốc vệt dầu loang trên biển... Hình ảnh vệ tinh còn có thể cho phép phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia...
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) Lê Quang Tuấn, việc quan sát bằng dữ liệu vệ tinh quang học hoặc quan sát mây phủ bằng dữ liệu khẩu độ tổng hợp sẽ giúp rút ngắn thời gian phát hiện cần thiết để nắm bắt phạm vi thiên tai, ứng phó kịp thời cho từng khu vực. Thời gian tới, công nghệ vũ trụ sẽ là bước đột phá lớn trong công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC cho rằng, công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao được tích hợp từ nhiều ngành khoa học, công nghệ khác nhau để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ, vì lợi ích của con người. Để bảo vệ quyền lợi quốc gia, ngoài vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng, thì không gian vũ trụ cũng là một trong 5 không gian mà Việt Nam cần làm chủ, nếu không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài.
"Dù có nhiều lợi ích, song phát triển công nghệ và khoa học vũ trụ ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghiệp phụ trợ… hạn chế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết.
Từng bước phát triển và làm chủ công nghệ
Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 tại Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho lĩnh vực này. Trong đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ thiết yếu và cơ bản.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy cho rằng, việc ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ vũ trụ; tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp và các thành phần liên quan lĩnh vực này phát triển.
Đồng quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Khoa Sơn, Phó Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam bày tỏ: “Việc từng bước phát triển và làm chủ công nghệ vũ trụ sẽ giúp Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào bên ngoài, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp, như thiên tai, an ninh quốc gia. Để làm chủ công nghệ này, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực, còn cần các chương trình phát triển vệ tinh với định hướng và mục tiêu cụ thể”.
Để phát triển khoa học vũ trụ cũng như ngành công nghiệp vũ trụ, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, cần thúc đẩy nhu cầu khai thác các ứng dụng từ công nghệ vũ trụ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng nền kinh tế vũ trụ; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, rút ngắn khoảng cách để có thể tham gia đóng góp vào các chương trình nghiên cứu chung của thế giới. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn nhân lực hiện có bằng môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tốt, thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận.
Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin, Viện đã cử 36 cán bộ trẻ đi học thạc sĩ tại 5 trường đại học hàng đầu của Nhật Bản về công nghệ vũ trụ. Đây là những nguồn nhân lực vô cùng quan trọng cho ngành công nghệ vũ trụ của tương lai. Trong thời gian tới, Viện tiếp tục đầu tư mạnh cho các nhóm nghiên cứu về công nghệ vũ trụ.
Dự kiến ngày 1-10 tới, vệ tinh NanoDragon do các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sẽ được phóng lên quỹ đạo. Trước đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã chế tạo và phóng thành công 2 vệ tinh (PicoDragon và MicroDragon) lên quỹ đạo vào các năm 2013 và 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.