Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch và hiệu quả

Hương Ly| 21/05/2011 06:08

20/21 tập đoàn, tổng công ty 91 sản xuất kinh doanh có lãi (HNM) - Thời gian qua, nhiều tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) 91 đã thể hiện được vai trò trụ cột trong nền kinh tế… Tuy nhiên mô hình quản lý các TĐ kinh tế (TĐKT) nhà nước đang bộc lộ không ít bất cập, một số sai phạm đã nảy sinh…

Hoàn thiện mô hình TĐKT, xây dựng cơ chế giám sát, quản lý theo hướng minh bạch, hiệu quả là yêu cầu bức thiết của nền kinh tế hiện nay. Đây là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo khoa học "Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 20-5 tại Hà Nội.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thể hiện vai trò nòng cốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Hà Thái


Vai trò "anh cả"

Báo cáo của 21 TĐ, TCT 91 (trừ TĐ kinh tế Vinashin) cho thấy, tính đến tháng 2-2011, tổng vốn chủ sở hữu toàn khối đạt 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75%. 20/21 TĐ, TCT làm ăn có lãi, tổng nộp ngân sách ước đạt 173.549 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2009. Thời gian qua, các TĐ, TCT 91 đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm sản xuất, tiêu dùng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Các TĐ đã thể hiện rõ vai trò "anh cả" của nền kinh tế, tạo nguồn ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Với thế mạnh kinh tế vốn có, các TĐKT đã đầu tư vào các ngành đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc TCT Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho biết, nếu như ở các thành phố lớn, hoạt động kinh doanh có sự góp mặt của nhiều thành phần kinh tế, thì ở khu vực kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, thường chỉ có mặt của các TĐKT nhà nước như TĐ Điện lực Việt Nam, TCT Xăng dầu Việt Nam…

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, do được hưởng nhiều ưu ái của Nhà nước, lại quản lý số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trong khi cơ chế giám sát còn quá lỏng lẻo, một số đã rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí làm thất thu vốn ngân sách nhà nước. Thạc sĩ Nguyễn Thế Hưởng, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT nhà nước thời gian qua rất cao, cá biệt lên đến 42 lần trên vốn chủ sở hữu (trong khi tại TĐKT quốc tế chỉ từ 1 đến 3 lần). Hệ thống kiểm soát quản trị lỏng lẻo tại các TĐKT cũng là một bất cập lớn hiện nay. GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận xét, mặc dù chúng ta đã có hệ thống kiểm toán nội bộ, song hệ thống kiểm soát quản trị, kiểm soát hoạt động cũng như định hướng phát triển TĐ lại chưa có. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, 29% TĐ không đánh giá kết quả hoạt động của giám đốc, tổng giám đốc. Tại những TĐ có đánh giá, số cán bộ bị kiểm điểm rất ít. Có ý kiến cho rằng, chính sự ưu ái của Nhà nước đã khiến nhiều lãnh đạo TĐKT coi đây là "thế mạnh", dẫn đến nhiều nảy sinh sai phạm và làm mất đi sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp.

Công nhân Tập đoàn Điện lực đã có mặt tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ảnh: Ngọc Hà

Hoàn thiện mô hình
Để khắc phục những bất cập trong quá trình giám sát và quản lý TĐKT, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có những bước đi mang tính đột phá nhằm tạo ra một cơ chế giám sát nội bộ hiệu quả, đề cao vai trò cá nhân chịu trách nhiệm. Các TĐ phải lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với khả năng. GS.TS Phạm Quang Trung cho biết, tại các TĐKT lớn trên thế giới như: ABB, Microsoft, Citi Group, Samsung, Toyota… hệ thống kiểm soát quản trị của họ đã tồn tại hơn 100 năm và hiện vẫn hoạt động hiệu quả. Với phương thức hoạt động độc lập, hệ thống này đã đưa ra những đánh giá khách quan về người đứng đầu TĐ cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh. Dựa trên những đánh giá xác thực này, các TĐ sẽ có những điều chỉnh phù hợp.


Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, TĐKT nhà nước cần phải tập trung vào các ngành nghề chính của mình; hoàn thiện cơ chế quản trị DN và quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực. Hoạt động của các TĐ, TCT phải chịu sự giám sát tài chính chặt chẽ. Chủ sở hữu vốn nhà nước tại các TĐ sẽ phải chịu giám sát tài chính đặc biệt. Nếu TĐ kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần… thì chủ sở hữu phải yêu cầu TĐ lập phương án sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý hiệu quả của doanh nghiệp. Bên cạnh việc tận dụng nguồn vốn vay trả chậm của nước ngoài, TĐ đã tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin và ứng dụng trong tất cả các hoạt động. Vai trò của người đứng đầu tại TĐ cũng được Viettel đặc biệt coi trọng. Bởi nếu người đứng đầu không đủ trí tuệ, tài năng thì TĐ khó có thể thành công.

Sau thời gian thí điểm, mặc dù còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý, giám sát, song mô hình TĐKT đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc tuyển dụng những người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có năng lực điều hành và đãi ngộ xứng đáng, việc xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ đóng vai trò quan trọng nhằm hoàn thiện mô hình quản lý các TĐKT. Chỉ khi nào mọi hoạt động của các TĐKT được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ thì sức mạnh của các TĐ mới thực sự được phát huy.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.