(HNM) - Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quan trọng này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Vì thế, nhiều giải pháp đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được triển khai liên tục, bài bản, khoa học.
Với tinh thần đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Quy định số 12-QĐ/TU ngày 8-5-2023 của Thành ủy Hà Nội về “Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Trung ương trong lĩnh vực này. Quy định này thay thế Quy định số 04-QĐ/TU ngày 11-8-2021 của Thành ủy Hà Nội về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và các quy định trước đây.
Với 7 chương, 39 điều và 3 phụ lục, Quy định số 12-QĐ/TU là văn bản mới nhất của Thành ủy Hà Nội quy định cụ thể về việc phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ; miễn nhiệm, cho từ chức và bố trí cán bộ sau khi miễn nhiệm, từ chức. Quy định nhấn mạnh việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu.
Thực tiễn cho thấy, công khai, minh bạch chính là “chìa khóa vàng” trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng bảo đảm tính pháp lý, dân chủ. Từ đó giúp lựa chọn đúng cán bộ; chống cục bộ địa phương, ngành, lĩnh vực, chống chạy chức, chạy quyền... Việc dân chủ, công khai, minh bạch còn là công cụ để kiểm soát quy trình công tác cũng như quá trình phát triển của cán bộ, ngăn chặn được các lực lượng chống đối, tìm cách khiến nội bộ không ổn định.
Bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch cũng là cơ sở để các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét thường xuyên về ý thức rèn luyện cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, khả năng phấn đấu vươn lên của từng cán bộ trong diện quy hoạch. Đây là cơ sở để cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển; đồng thời có thể đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch nếu cán bộ không còn xứng đáng.
Dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ là điều cần thiết, song điều đó không có nghĩa là phổ biến đến tất cả mọi người, mà cần bảo đảm nguyên tắc nhất định. Đó là công khai theo quy định, công khai trong tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân có liên quan biết. Bởi công tác cán bộ là công tác của Đảng, phải thực hiện theo nguyên tắc của Đảng. Điều quan trọng là làm thế nào để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu đánh giá, xem xét chọn đúng người có phẩm chất, năng lực.
Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Quy định số 12-QĐ/TU với những điểm mới cập nhật thực tiễn sẽ góp phần bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt nói riêng thật sự tiêu biểu, có tâm, có tài và có tầm, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa tạo cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô, đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.