Góc nhìn

Minh bạch thông tin thị trường bất động sản

Gia Khánh 15/09/2023 - 06:26

Việc Công an tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 người để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn thuê người đóng giả làm khách hàng, dàn cảnh bán bất động sản “ma”, một lần nữa đặt ra vấn đề về minh bạch thông tin thị trường bất động sản.

Bản thân người mua trước khi quyết định cần tìm hiểu và nắm rõ thông tin dự án, không có đầy đủ thông tin dự án mà đã quyết định “xuống tiền” thì rất dễ mắc bẫy.

Quan trọng hơn, những trò dàn cảnh bán dự án “ma” hay đầu cơ “thổi giá”, huy động vốn khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý… sẽ khiến thị trường bất động sản méo mó, phát triển thiếu lành mạnh.

Công bằng đánh giá, thông tin thị trường bất động sản (quy hoạch, dự án, chính sách phát triển…) ngày càng phong phú, đa chiều, cập nhật hơn trên các kênh chính thống của bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, so với các nước có thị trường bất động sản phát triển, thông tin trên thị trường bất động sản Việt Nam còn thiếu chuẩn xác, và khá manh mún. Hệ thống dữ liệu về thị trường chưa có hoặc bị phân chia do nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Cơ chế kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản chưa đồng bộ nên còn hiện tượng cung cấp thông tin gian dối, không chính xác và đầy đủ. Đặc biệt, thông tin đánh giá toàn cảnh thị trường, thông tin chính thống định hướng đầu tư bị bỏ ngỏ, nên đối tượng cơ hội vẫn có thể tung tin thất thiệt, đồn thổi để trục lợi.

Hệ quả là cơ quan quản lý khó xử lý vấn đề phát sinh (ví dụ tình trạng 2 giá bất động sản khi tính thuế); chủ đầu tư lỡ cơ hội đầu tư hoặc đầu tư không đúng nhu cầu thị trường; người mua bị cuốn vào “bong bóng”, đổ tiền vào dự án “ma”, dự án “chết yểu”. Về tổng thể, tình trạng thiếu minh bạch thông tin cản trở sự phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp của bất động sản Việt Nam.

Để thông tin thị trường bất động sản minh bạch, trước hết thông tin về bất động sản phải đầy đủ, chính xác, công khai và sẵn sàng cung cấp cho cộng đồng sử dụng. Thông tin về bất động sản cần có sự liên thông giữa các cơ quan quản lý, được lưu trữ thống nhất và sẵn sàng được cung cấp, tra cứu. Một hệ thống dữ liệu về bất động sản dưới dạng số hóa để dễ tiếp cận, tra cứu là điều cần hướng tới. Bên cạnh đó, thông tin về bất động sản, đặc biệt là thông tin quy hoạch, đất đai, tài chính, giá… cần được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, kênh thông tin chính thống của các bộ, ngành, địa phương để người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, nắm bắt.

Ngoài ra, cần xây dựng một kênh thông tin định hướng đầu tư chính thống do cơ quan quản lý nhà nước vận hành, dữ liệu đầu vào tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và định kỳ công bố rộng rãi. Trên thực tế, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp, đơn vị tổ chức nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng quan thị trường nhưng thông tin không đầy đủ, vì vậy khó mang tính định hướng. Mặt khác, cần sớm có cơ chế kiểm tra, giám sát việc bắt buộc chủ đầu tư công bố đầy đủ, chính xác thông tin dự án, báo cáo việc đầu tư, mở bán sản phẩm…

Cùng với hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản đầy đủ, rõ ràng, ổn định; quy hoạch sử dụng đất công khai; giá đất phù hợp với thị trường; thủ tục hành chính đơn giản, phục vụ nhân dân… thì thông tin thị trường minh bạch là yếu tố quan trọng để xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch thông tin thị trường bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.