Bất động sản

Bất động sản công nghiệp: Tăng hấp dẫn để đón “sóng” đầu tư

Nguyễn Xuân - Dạ Khánh 09/09/2023 - 06:23

Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống từ khu vực Đông Bắc Á, Singapore, gần đây, Việt Nam đang đón dòng vốn đầu tư mới từ khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ... Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục, không chỉ mang đến cơ hội để Việt Nam trở thành “bến đỗ” của dòng vốn ngoại, mà còn kéo theo nhu cầu bất động sản công nghiệp bật tăng.

deep-c.jpg
Một góc Khu công nghiệp DEEP C (tỉnh Quảng Ninh).

Việt Nam ngày càng cởi mở với các FTA

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty đa quốc gia đang triển khai chiến lược chia sẻ rủi ro, không muốn “bỏ trứng vào một giỏ”. Chiến lược này khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, rồi đến Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu, Mỹ.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như: Chiến tranh thương mại, xung đột, sự đứt gãy chuỗi cung ứng... cũng khiến nhiều nhà đầu tư định hình lại dòng vốn, trong đó Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung nổi lên như một “bệ đỡ”.

Những năm qua, sự xuất hiện của hàng loạt “ông lớn” như: Samsung, Intel, Foxconn, Pegatron, Goertek… với các dự án lên tới hàng tỷ USD đã dần đưa Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đầu năm 2023, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn “đáp” xuống Việt Nam, như của Compal, Quanta Computer…

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 8 tháng của năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút hơn 1,76 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 trong các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất.

Về động lực thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C (hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh) Bruno Jaspaert cho rằng, bên cạnh chiến lược chia sẻ rủi ro mà các nhà đầu tư lớn đang thực thi, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nhờ vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Việc Việt Nam tham gia các FTA tiếp tục mang lại lợi ích thương mại đáng kể và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN. Đặc biệt, vì Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng... nên khu vực công nghiệp sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.

Không bỏ lỡ “cơ hội vàng”

Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội Thomas Rooney đánh giá, xu hướng dịch chuyển đầu tư đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu bất động sản công nghiệp bật tăng; bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp ngày càng mở rộng.

Giám đốc quốc gia JLL Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle) Paul Fisher cũng chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu “chốt” các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện tại, giới đầu tư đang xem xét các khoản đầu tư đa dạng trên khắp Đông Nam Á. Một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc và như vậy, nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam có thể được “chốt” cuối năm nay".

Để “đón” làn sóng dịch chuyển nguồn vốn FDI, các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý và tiến độ xây dựng nhiều khu công nghiệp.

Đầu tháng 7-2023, Công ty cổ phần Đô thị Amata Long Thành đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với diện tích 410ha, tổng vốn đầu tư khoảng 282 triệu USD. Công ty cổ phần Hanaka (tỉnh Bắc Ninh) cũng vừa khởi công xây dựng Khu công nghiệp Gia Bình 2 với quy mô 250ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.957 tỷ đồng. Tập đoàn Sơn Hà tháng 4-2023 cũng đã khởi công Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) với diện tích hơn 162ha, tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng, dự kiến bàn giao mặt bằng lần 1 vào quý IV-2023 và bắt đầu đi vào hoạt động từ quý III-2024...

Cùng với hạ tầng khu công nghiệp, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial Paul Wee bày tỏ, Việt Nam cần cải thiện hệ thống giao thông, có thêm các tuyến đường cao tốc, kết nối đồng bộ; bảo đảm việc cung cấp năng lượng, cung cấp dịch vụ ổn định cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để tăng chất lượng nguồn nhân lực.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể, như: Tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia lớn, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ… trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030...

Do đó, việc phát triển của các khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các địa phương, triển khai các giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản công nghiệp: Tăng hấp dẫn để đón “sóng” đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.