(HNMO) - Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn khiến cho các mặt hàng nông sản an toàn khó cạnh tranh trên thị trường. Trước thực trạng đó, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc thực hiện dán tem mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc này giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Với mục đích không chỉ tạo ra những mặt hàng nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng mà còn rõ ràng về nguồn gốc, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Nói về hiệu quả của việc này, bà Lê Phương - nhà sáng lập thương hiệu phồng tôm Nacama Cà Mau cho biết: Đầu năm 2019, thương hiệu Nacama được hình thành và áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc CheckVn, hệ thống truy xuất nguồn gốc của người Việt sáng lập ra trên nền tảng công nghệ số. Nhờ đó, ngay năm đầu tiên ra mắt, sản lượng bán ra của công ty là 60 tấn bánh phồng tôm tại thị trường Hà Nội. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt rộng rãi khắp cả nước.
Ông Nguyễn Doãn Hợi - Chủ cơ sở sản xuất giò chả ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) cũng cho biết, mặc dù đã sản xuất giò chả rất nhiều năm nay, nhưng mỗi tháng, đơn vị chỉ bán được khoảng 1 tấn sản phẩm. Từ năm 2019, khi áp dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, giò chả của cơ sở đã bán được cho các cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể với số lượng khoảng 2 tấn/tháng.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, từ năm 2019, huyện tiếp nhận tài khoản quản trị và ứng dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội với địa chỉ tên miền hn.check.vn. Đến nay, toàn huyện có hơn 60 sản phẩm nông sản thực phẩm của hơn 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế sử dụng tem mã QR truy xuất nguồn gốc. Nhờ có mã tem QR, nhiều sản phẩm như rau hữu cơ của Hợp tác xã rau Cuối Quý, bưởi tôm vàng Đan Phượng... đã được bán ra thị trường với giá cao hơn 10-20% so với các sản phẩm thông thường.
Việc ứng dụng mã QR không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng có thể nắm rõ quy trình sản xuất. Ở góc độ người tiêu dùng, bà Đỗ Thị Phương Hoa ở quận Hai Bà Trưng cho biết: Hằng ngày, tôi vẫn vào siêu thị, hay các cửa hàng tiện ích. Các sản phẩm có mã tem truy xuất nguồn gốc khiến người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng vì biết rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng và thông tin doanh nghiệp.
Đánh giá về hiệu quả của việc ứng dụng mã QR, bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) cho biết, hn.check.vn là hệ thống giúp chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính. Đến nay, hệ thống đã lưu giữ bộ mã truy xuất nguồn gốc của 8.977 sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm; 2.882 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh cung cấp nông sản an toàn cho Hà Nội.
Liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu dùng
Để việc sử dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm và quản trị sản xuất, theo ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai), các sở, ngành cần hỗ trợ người dân về in mã tem và kinh phí phân tích các mẫu thực phẩm để chứng nhận đạt chất lượng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách thuê đất cho các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn; hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã ứng dụng mã QR tham gia các hội chợ để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để thúc đẩy khâu tiêu thụ.
Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm IDE cho biết: Các sở, ngành thành phố cần tăng cường quản lý mã số, mã vạch, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý chất lượng và xác thực chống hàng giả; đẩy mạnh việc liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất với các hội nghề nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ để tuyên truyền lợi ích mà giải pháp mang lại cho toàn xã hội, duy trì mối liên kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng, cùng nhau bảo vệ thị trường nội địa.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát phân tích đối với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất, sơ chế và kinh doanh rau, thịt đặc biệt là những sản phẩm đã có mã QR, qua đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Ngoài ra, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng bao bì gắn với tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản được bảo hộ tham gia vào hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chung của thành phố. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm được tiếng nói chung trong việc sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong quản lý, giám sát chất lượng nông sản an toàn trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.