Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch để ngăn chặn vi phạm

Thành Tâm| 11/01/2018 07:34

(HNM) - Công tác phòng, chống tham nhũng được UBND TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và quyết liệt. Thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan quản lý, các cấp chính quyền là một trong những biện pháp được áp dụng rộng rãi nhằm ngăn chặn vi phạm.


Thời gian qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực, như: Tín dụng, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính, hải quan... Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, năm 2017, Công an thành phố đã thụ lý 42 vụ (142 bị can) liên quan đến hành vi tham nhũng, chức vụ. Cơ quan điều tra đã hoàn tất điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân, đề nghị truy tố 22 vụ, 91 bị can. Tài sản thiệt hại qua các vụ án là hơn 49.000m2 đất, khoảng 75 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được 3.700m2 đất và 3 tỷ đồng. Thông qua giám sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân thành phố cho biết, phần lớn là các vụ phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chiếm 70% tổng số án tham nhũng, chức vụ.

Vấn đề đáng lưu ý là loại tội phạm này chủ yếu xảy ra ở cấp xã, đối tượng phạm tội thường là cán bộ UBND xã, trưởng thôn có hành vi bán đất, giao đất trái thẩm quyền. Điển hình là vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai). Để có kinh phí xây dựng, sửa chữa đình, chùa, làm đường và các công trình phúc lợi khác của thôn, lãnh đạo thôn Thanh Lương và thôn Kỳ Thủy (xã Bích Hòa) đã họp bàn, thống nhất bán trái phép hơn 10.000m2 đất công do UBND xã quản lý (đất ao, hồ) cho 41 hộ dân, với giá từ 400 nghìn đồng đến 8,5 triệu đồng/m2, thu hơn 18,6 tỷ đồng. Vụ án được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố ra quyết định khởi tố tháng 9-2017.

Từ những vụ án như trên cho thấy, nguyên nhân cơ bản là công tác quản lý nhà nước còn nhiều kẽ hở; trình độ quản lý, nhận thức pháp luật của một số cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động của một số cấp, ngành chưa công khai, minh bạch, dẫn đến việc giám sát không hiệu quả, không phát hiện sớm và ngăn ngừa được hành vi vi phạm.

Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực có nguy cơ dẫn đến tham nhũng, một giải pháp được thành phố đặc biệt nhấn mạnh là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức. Việc minh bạch, công khai phải tập trung vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, quá trình chuẩn bị, trình, ban hành các quyết định, văn bản hành chính cá biệt...

Về giải pháp này, ngày 26-4-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 1960/UBND-KT về tổ chức tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đã có 723 tổ chức, đơn vị đã triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.

Trong năm 2018, việc công khai, minh bạch các hoạt động sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Chẳng hạn, trong quá trình tuyển dụng công chức cấp xã, phường, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, Sở sẽ chủ trì xây dựng kế hoạch thi, đề thi, mời thanh tra thành phố và cơ quan công an thẩm định hồ sơ, bằng cấp và công khai những nội dung này. Trong việc mở rộng hệ thống máy bán hàng tự động, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, thành phố sẽ minh bạch các tiêu chí, tiêu chuẩn và đấu thầu công khai để các doanh nghiệp tham gia...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch để ngăn chặn vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.