Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch, bình đẳng để tăng hấp dẫn!

Đức Anh| 31/10/2017 07:00

(HNM) - Để thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản trị tốt, cần có những cơ chế minh bạch, bình đẳng trong quá trình cổ phần hóa nhằm tăng độ hấp dẫn.


Nhiều bất cập trong quá trình thực hiện cổ phần hóa khiến không ít doanh nghiệp khó thu hút cổ đông lớn. Ảnh: Viết Thành


Quy định hẹp, nhà đầu tư... nản!

Kết quả khảo sát tại 46 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy, có 14 doanh nghiệp không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, 9 doanh nghiệp không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 doanh nghiệp không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược...

Nhận xét về tình trạng nhà đầu tư chiến lược không mặn mà rót vốn vào các doanh nghiệp, đại diện Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) cho biết: Trên thực tế, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt. Phần lớn tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt thường nhỏ. Đây chính là một nhân tố làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng.

Theo phân tích của CIEM, có 5 nguyên nhân khiến cổ phần của các doanh nghiệp “ế”. Đầu tiên, việc khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài đã khiến các nhà đầu tư chùn chân. Tiếp đó là do việc định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược. Một số doanh nghiệp thậm chí thiếu công khai, minh bạch thông tin. Cuối cùng, quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt cũng khiến các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng kém mặn mà.

Nhận xét về việc khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội cho rằng, đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, quy định về tỷ lệ sở hữu của khối này tại các doanh nghiệp cổ phần hóa đã khiến họ e dè, bởi theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu chi phối trên nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các quy định khá thận trọng về giới hạn tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có khoảng 113 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhóm ngành tập trung doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ vận tải, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp… không có quy định cụ thể về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, cổ đông chiến lược nước ngoài không thể sở hữu quá 49% công ty đại chúng thuộc tất cả 113 ngành nghề trên.

Cần bình đẳng, minh bạch thông tin

Để khắc phục những bất cập trong cổ phần hóa, đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bằng tư duy thị trường hơn là xem xét dưới góc độ của cơ quan hành chính nhà nước. "Những nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc, dài hạn quan tâm đến lợi nhuận và mục tiêu hướng tới chính là phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Khi rót vốn vào một doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược mong muốn mở rộng và làm tốt hơn trước đó để doanh nghiệp này nâng cao giá trị, lợi nhuận thay vì vất vả gây dựng mới một doanh nghiệp", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phân tích.

Đề xuất hướng giải quyết nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, ông Adam Sitkoff cho rằng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn. Song có thể làm tốt hơn nữa, bởi rất nhiều nhà đầu tư tốt, tiềm lực mạnh, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn tới Việt Nam. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn phải minh bạch thông tin để các nhà đầu tư biết tài sản họ mua thực sự thế nào. Các nhà đầu tư cũng đặc biệt mong muốn, quy trình định giá doanh nghiệp cổ phần hóa phải được thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế và kỳ vọng Chính phủ sẽ nới rộng hoặc hủy bỏ những hạn chế về tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư có quyền quản trị rộng hơn, từ đó tạo ra sự đột phá cho các doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch, bình đẳng để tăng hấp dẫn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.