Chính sách miễn, giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP đã đem lại cơ hội học tập cho rất nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên quá trình áp dụng đang có vướng mắc về đối tượng thụ hưởng cũng như thủ tục, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, điều chỉnh.
Nhiều đối tượng thụ hưởng gặp vướng
Một trong những vướng mắc hay gặp nhất là quy định giảm 70% học phí đối với các sinh viên học chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.
Ông Lê Văn Tràng (Bình Định) có con trai đang học năm thứ nhất khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Con trai của ông đã được nhà trường cấp giấy xác nhận đang theo học chuyên ngành độc hại để làm thủ tục giảm 70% học phí, nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định không chấp nhận vì cho rằng giấy xác nhận của trường không thể hiện rõ chuyên ngành độc hại mà con ông Tràng đang theo học.
Theo ông Tràng, căn cứ xét duyệt giảm học phí cho sinh viên theo học chuyên ngành độc hại như vậy là chưa rõ ràng.
“Tôi và gia đình mất nhiều thời gian gửi thư hỏi cơ quan chức năng, báo chí và vừa qua, gia đình cũng đã nhận được tiền cấp bù học phí. Theo tôi, cần sớm có danh mục cụ thể chuyên ngành nặng nhọc, độc hại để tránh những khó khăn không cần thiết”, ông Tràng nói.
Vướng mắc của sinh viên Đặng Đình Lệ (Đắk Lắk; email: vipzbff@...) thì khác, sinh viên Lệ hiện đang học ngành chế tạo máy, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, sinh viên Lệ được miễn học phí do có hộ khẩu tại xã vùng cao.
Khi mang hồ sơ và giấy xác nhận của trường lên nộp tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, hồ sơ của sinh viên Lệ bị trả lại với lý do sinh viên trường sư phạm thuộc đối tượng không phải nộp học phí, do đó không áp dụng chế độ cấp bù học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Sỹ Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định chia sẻ, nhà trường đã thực hiện xác nhận cho sinh viên chuyên ngành ngoài sư phạm theo mẫu phụ lục III Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH để sinh viên làm thủ tục nhận lại tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí tại địa phương.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên của trường không được địa phương giải quyết và yêu cầu sinh viên xin giấy xác nhận của Nhà trường là thuộc hệ phải đóng học phí, hệ ngoài sư phạm… thì mới giải quyết.
“Những điều trên gây khó khăn cho sinh viên cũng như cho nhà trường khi sinh viên phải xin thêm văn bản xác nhận của nhà trường. Trong khi đó, văn bản này lại không có trong quy định”, ông Nghĩa cho hay.
Một vướng mắc khác cũng được khá nhiều sinh viên phản ánh đó là việc thu học phí vượt trần tại một số trường Đại học.
Sinh viên Trần Quang Anh (Quảng Bình; email: quanganh92@...) học Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh phản ánh: “Học phí 2 học kỳ được cấp bù của em là 3.900.000 đồng, trong khi mức học phí thực tế em phải nộp tại trường là 9.000.000 đồng”.
Vấn đề này cũng đang là vướng mắc của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khi tiến hành cấp bù học phí cho các đối tượng thụ hưởng. Theo ông Nguyễn Kim Triều, phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, việc một số trường công lập thu học phí cao hơn mức trần quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP khiến địa phương không biết cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo biên lai học phí hay theo mức trần.
Khó khăn trong thủ tục hành chính
Thủ tục miễn, giảm học phí cho các đối tượng cũng chưa được đơn giản hóa là nhận xét của nhiều địa phương, nhiều phụ huynh trong quá trình thực hiện các quy định nêu trên.
Thuộc đối tượng được miễn học phí nhưng không thể đủ hồ sơ để xin cấp tiền là hoàn cảnh của nhiều sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa.
Hiện đang học năm thứ hai của Đại học Nông nghiệp và được miễn học phí do thuộc đối tượng mồ côi cả cha lẫn mẹ, sinh viên Lê Thái (Thanh Hóa, email: lethai1100@...) lo lắng: “Do không có Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện nên hiện nay em vẫn chưa được cấp bù tiền miễn học phí. Sắp tới phải đóng học phí học kỳ II năm học 2012 – 2013, em chưa biết sẽ lấy tiền ở đâu”
Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều sinh viên, quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ đang được thực hiện còn gây khó khăn cho học sinh, sinh viên được thụ hưởng chính sách.
Cụ thể, khi sinh viên vào học, điều đầu tiên là các cơ sở giáo dục đào tạo yêu cầu sinh viên đóng học phí nhưng lại chưa thực sự quan tâm đến việc xác nhận sinh viên là người học của nhà trường như theo quy định của Thông tư, làm cho sinh viên phải đi lại nhiều lần để xin xác nhận, gây chậm trễ thời gian nộp hồ sơ. Đặc biệt, sinh viên ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại không thuận lợi thì lại càng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo sinh viên Đặng Xuân Hinh (Kim Sơn, Ninh Bình; emai: dangxuanhinh@...), thủ tục hồ sơ xin cấp tiền miễn, giảm học phí cũng quy định quá nhiều loại giấy xác nhận. Sinh viên nghèo nhưng phải photo, in ấn để hoàn tất hồ sơ gây tốn nhiều chi phí.
Bất cập trong thủ tục hành chính cũng khiến các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gặp khó khăn trong việc cấp bù học phí cho sinh viên đúng thời hạn. Theo ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, phương thức chi trả và thời gian quy định việc thực hiện chi trả cho đối tượng trong Thông tư liên tịch số 29 là không hợp lý và khó thực hiện.
Nhiều ý kiến đã cho rằng, việc không miễn học phí trực tiếp cho sinh viên ngay tại trường mà thực hiện đóng học phí rồi về địa phương xin cấp bù khiến phát sinh nhiều khó khăn cho sinh viên và gia đình.
Tháo gỡ, tạo điều kiện để người dân được hưởng chính sách ưu việt này
Trao đổi với ông Bùi Hồng Quang, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vướng mắc trên, ông Quang cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thu nhận được nhiều phản ánh về bất cập trong việc xác định đối tượng miễn, giảm học phí, phương thức cấp bù tiền miễn giảm học phí và trình tự hồ sơ thủ tục để được miễn, giảm học phí.
Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ việc miễn giảm học phí theo địa bàn như hiện nay mà sẽ thực hiện miễn, giảm học phí theo đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo...
Đồng thời, thay vì cấp trực tiếp cho người học qua các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, các đối tượng chính sách phải về địa phương nhận tiền, đi lại nhiều lần gây tốn kém cho học sinh, sinh viên và gia đình người học thì nay sẽ được miễn, giảm học phí ngay tại cơ sở đào tạo mà học sinh, sinh viên đang theo học.
Ngoài ra, ông Quang cho biết thêm, để khắc phục tình trạng xác nhận tràn lan của các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc miễn học phí đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghề nặng nhọc, độc hại trong thời gian qua, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định theo hướng chỉ thực hiện miễn học phí đối với học sinh, sinh viên học ngành học nặng nhọc độc hại và nguy hiểm đối với lĩnh vực dạy nghề.
Về những vướng mắc trong thời gian qua như sinh viên học hệ ngoài sư phạm trong trường sư phạm; học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa trên 16 tuổi về thủ tục xác nhận, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp bù miễn, giảm học phí cho các đối tượng học hệ ngoài sư phạm trong trường sư phạm. Đối với học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa trên 16 tuổi thì UBND cấp xã sẽ cấp giấy xác nhận cho các đối tượng này.
Ông Quang khẳng định, những vướng mắc về thủ tục xác nhận và các vướng mắc khác liên quan đến chính sách miễn, giảm học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 29 nêu trên.
Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP sẽ được trình Chính phủ trong tháng 3/2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.