Theo dõi Báo Hànộimới trên

Miền Bắc - hậu phương lớn cho miền Nam

TTXVN| 26/01/2018 06:22

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc.


Huy động sức người chi viện cho tiền tuyến

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa II (tháng 8-1955), Ðảng ta nhận định: "Miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố". Phát biểu tại Ðại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc (tháng 9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: "Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt".

Bộ đội miền Bắc, trong đó có hàng vạn người con Thủ đô lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu


Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trên cả nước nói chung và hậu phương miền Bắc nói riêng, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra hết sức khẩn trương với tinh thần quyết tâm giành thắng lợi cao nhất. Về sức người, cuối tháng 7-1967, Quân ủy Trung ương mở các lớp tập huấn nhằm quán triệt về tình hình và nhiệm vụ mới cho cán bộ trung, cao cấp trong toàn quân. Tháng 8-1967, lực lượng vũ trang nhân dân mở cuộc vận động lớn "Nâng cao chất lượng, phát huy sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Các sư đoàn dự bị cơ động chiến lược: 308, 304, 320, 312 được kiện toàn thêm về tổ chức, trang bị, đẩy mạnh huấn luyện nhằm nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng, sẵn sàng hành quân vào chiến trường chiến đấu khi có lệnh.

Để tăng cường lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Nam và cả ở hậu phương miền Bắc, trong một thời gian ngắn, hàng vạn nam, nữ thanh niên có trình độ văn hóa, giác ngộ chính trị, có sức khỏe được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong. Từ tháng 3-1967 đến tháng 3-1968, khoảng 155.000 quân đã được đưa vào miền Nam. Năm 1968, hơn 14 vạn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc hành quân vào Nam nhanh chóng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Các lực lượng vận tải, lực lượng bảo đảm giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác... bao gồm hàng chục vạn người đều được động viên từ hậu phương lớn miền Bắc.

Ðến năm 1968, số trung đoàn công binh trên miền Bắc tăng gấp 1,2 lần; số tiểu đoàn công binh tăng gấp 2 lần; số đại đội công binh tăng gấp 16 lần so với năm 1965. Lực lượng vận tải quân sự của Bộ Quốc phòng và của các quân khu tăng gấp 4 lần. Các loại phương tiện bắc cầu, bảo đảm vượt sông năm 1968 tăng 2,6 lần. Lực lượng vận tải nhà nước cũng tăng mạnh, trong đó một bộ phận khá lớn được huy động làm nhiệm vụ vận tải quân sự.

Ngoài ra, lực lượng vận tải nhân dân đông đảo với phương tiện và phương thức vận tải thô sơ nhưng rất hiệu quả cũng nhanh chóng được tăng cường, đặc biệt là ở những vùng trọng điểm giao thông, nơi địch đánh phá ác liệt. Toàn bộ lực lượng vận tải, bảo đảm giao thông, bảo vệ bờ biển và lực lượng phòng không chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải được bố trí thành thế trận chiến tranh nhân dân liên hoàn, vừa tập trung, vừa rộng khắp, bảo đảm cho quân và dân ở hậu phương vừa chủ động tiến công địch, vừa sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển, bảo đảm mạch máu giao thông. Tất cả nhằm nhanh chóng và kịp thời tiếp thêm sức mạnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam.

Đẩy mạnh vận chuyển vật chất - kỹ thuật

Ngoài việc chi viện sức người, để đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy, truyền tải sức mạnh của miền Bắc cho miền Nam, Bộ Tư lệnh Ðoàn 559 được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chiến trường miền Nam, với bạn Lào và hậu phương lớn miền Bắc; chủ động, sáng tạo sử dụng mọi phương tiện, mọi biện pháp hữu hiệu nhất đẩy mạnh vận chuyển vật chất - kỹ thuật chi viện kịp thời, đầy đủ cho chiến trường miền Nam.

Tổng cục Hậu cần quân đội bố trí các cung vận chuyển và chấn chỉnh hệ thống kho tàng, bến bãi. Trước khi bước vào chiến dịch vận chuyển, lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công binh và nhân dân các địa phương có tuyến đường chiến lược đi qua đã mở mới và củng cố tuyến vận tải cơ giới, hình thành nên thế trận giao thông vững chắc bảo đảm vận chuyển thông suốt trong mọi tình huống và theo sát các hướng trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tháng 10-1967, từng đoàn xe vận tải ở hậu phương miền Bắc hối hả nối đuôi nhau đến các cửa khẩu đường 20 và 12 với một khối lượng lớn vật chất - kỹ thuật. Hàng trăm xe chở đầy vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vượt cửa khẩu vào Ðông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hàng trăm xe khác vận chuyển vũ khí, hàng hóa cho mặt trận Tây Nguyên; vận chuyển hàng cho chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…

Trong ba tháng 11, 12-1967 và tháng 1-1968, các đợt vận chuyển của Ðoàn 559 diễn ra càng sôi động, khẩn trương nhằm chi viện kịp thời cho các chiến trường Ðường 9 - Khe Sanh, Thừa Thiên - Huế, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ, Trung - Hạ Lào, Campuchia.

Ðường Hồ Chí Minh trên biển cũng đã tham gia tiếp thêm sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy. Quân chủng Hải quân vừa tổ chức chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa tổ chức vận chuyển tiếp tế bằng đường biển vào các chiến trường Nam Bộ, Khu 5 hàng nghìn tấn vật chất - kỹ thuật. Vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, trong hai năm 1967, 1968, các chiến sĩ vận tải, thanh niên xung phong, hải quân ở miền Bắc đã vượt Trường Sơn và Biển Ðông chi viện kịp thời cho miền Nam 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và hơn 42,619 triệu USD…

Hoạt động tổ chức, chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị và những kinh nghiệm này đã phát huy tác dụng to lớn trong những năm sau này, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Miền Bắc - hậu phương lớn cho miền Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.