Theo dõi Báo Hànộimới trên

MegaStar trần tình về vụ cáo buộc phá giá

Tuyết Minh| 10/11/2010 22:57

(HNMO)- Công ty TNHH Truyền Thông MegaStar vừa tổ chức họp báo để lần đầu tiên giải thích về hoạt động phát hành phim của công ty tại Việt Nam, kể từ khi một số đơn vị chiếu phim nộp Đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (CQLCT) cho rằng MegaStar đã thực hiện một số hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh vào tháng 3/2010.

Bộ phim "bom tấn" Avatar do MegaStar phát hành


(HNMO)- Công ty TNHH Truyền Thông MegaStar vừa tổ chức họp báo để lần đầu tiên giải thích về hoạt động phát hành phim của công ty tại Việt Nam, kể từ khi một số đơn vị chiếu phim nộp Đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (CQLCT) cho rằng MegaStar đã thực hiện một số hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh vào tháng 3/2010.

Không có chuyện "chèn ép" phim nội và áp đặt giá vé

Tại cuộc họp, ông Brian Hall, Chủ tịch Hội đồng quản trị MegaStar đã giải thích  những cáo buộc của một số đơn vị phát hành phim Việt Nam, về việc MegaStar đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là thiếu cắn cứ. "Chúng tôi khẳng định kể từ bắt đầu hoạt động vào năm 2006, MegaStar không có bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi không áp đặt giá hoặc tăng giá một cách bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng, cũng như không áp đặt bất kỳ nghĩa vụ đi kèm nào như bị cáo buộc".

Trong Bản giải trình chi tiết mới nhất gửi đến CQLCT ngày 6/11/2010, MegaStar cũng đã đề nghị CQLCT ra quyết định rằng các cáo buộc của các Bên khiếu nại là không có cơ sở và ngừng điều tra đối với MegaStar.

Việc cho rằng MegaStar đang nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường trong thị trường liên quan (nắm giữ 30% thị phần trong thị trường "phát hành phim nhựa nhập khẩu") và tăng giá cho thuê phim bất hợp lý, MegaStar cho rằng các bên khiếu nại đã xác định sai thị trường liên quan và đã không chứng minh được thị phần của MegaStar để từ đó quy kết rằng MegaStar có vị trí thống lĩnh thị trường. Thị trường liên quan trong vụ việc này phải là thị trường cung cấp dịch vụ phát hành tất cả các loại phim nhựa trên lãnh thổ Việt Nam. Theo các quy định hiện hành, nếu không xác định được thị trường liên quan và thị phần thì không thể kết luận rằng một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh.

Việc tăng giá cho thuê phim kể từ khi MegaStar áp dụng chính sách Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem ("MPC") là 25.000 đồng đối với phim chiếu vòng đầu từ giữa năm 2009. Thậm chí, không có bất kỳ sự tăng giá rõ ràng nào, bởi căn cứ vào các chứng từ thanh toán, phí thuê phim mà các rạp phải trả cho MegaStar không thay đổi trong suốt thời gian chiếu một bộ phim. 

Một cảnh trong phim "Bẫy rồng" (phim Việt Nam)


Ông Brian cũng cho biết, Bên khiếu nại tại Bản giải trình bổ sung của họ gởi Cục quản lý cạnh tranh cũng đã đính chính và khẳng định rằng họ không cáo buộc MegaStar đã áp đặt giá vé tối thiểu cho khán giả bằng việc quy định giá vé trong các Thư xác nhận đặt phim. Trong Bản giải trình bổ sung này, họ cũng thừa nhận MegaStar không có bất kỳ hành vi nào khác nhằm áp đặt giá vé tối thiểu cho người xem của các rạp. Các rạp có toàn quyền tự do quyết định giá vé bán cho người xem phù hợp với chính sách kinh doanh của mình dù có hay không có chính sách MPC. 

Ông Brian khẳng định không có bất kỳ nghĩa vụ bán kèm nào được ghi nhận trong các hợp đồng giữa MegaStar và các rạp chiếu phim khác. "Với tư cách là một đại lý phát hành hưởng hoa hồng của các hãng phim nước ngoài, trong các hợp đồng đã ký với các các hãng phim, MegaStar đã cam kết không được phép phát hành kèm phim này với một phim khác. Do vậy, MegaStar không có động lực hay lợi ích hay chính sách nội bộ nào để thực hiện hành vi giống như cáo buộc, vì chắc chắn hành vi đó sẽ dẫn tới sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với các hãng phim nước ngoài" - ông Brian khẳng định.

Theo ông cho biết, đến thời điểm này, MegaStar là đơn vị phát hành duy nhất tại Việt Nam đã phát hành tất cả các bộ phim trong nước sản xuất tại các cụm rạp của mình. Không chỉ có vậy, những bộ phim eo hẹp về mặt kinh phí phát hành cũng đều tìm tới MegaStar và được tư vấn cũng như tạo điều kiện tốt nhất có thể để chiếu phim phục vụ khán giả. Điển hình như hai trường hợp phim "Giao lộ định mệnh" và "Khát vọng Thăng Long".

Giải thích về việc chiếu phim "Bẫy rồng" tại phòng chiếu nhỏ và suất chiếu ít, đại diện HĐQT của MegaStar cũng khẳng định: Chúng tôi đáp ứng về phòng chiếu và suất chiếu tùy theo lượng khán giả mua vé vào xem. Nếu khán giả đến xem Bẫy rồng ít thì tất nhiên chúng tôi không cố dành rạp to, suất chiếu liên tục... để rồi không có doanh thu. Còn nếu nói về thời điểm phát hành phim, đó là sự lựa chọn của các nhà sản xuất bộ phim nội địa này. Mặc dù được tư vấn nhiều lần, bộ phim Bẫy rồng vẫn được ấn định ra mắt đúng vào ngày bộ phim bom tấn Avatar được phát hành ngày đầu tiên ở Việt Nam.

Nếu nói tới thông tin rằng: Rạp tháng Tám ở Hà Nội từng đề nghị thuê phim của MegaStar với mức giá MPC như quy định mà không được chấp thuận, ông Brian Hall khẳng định là thông tin sai. Còn bà Tăng Thị Lệ - Phó Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trong một cuộc họp nội bộ giữa MegaStar và các bên liên quan tại Cục Điện ảnh VN, ông Dũng - người quản lý rạp tháng Tám cũng cho rằng đây là thông tin không xác thực".

Công ty CP Phim Thiên Ngân (Galaxy) không đủ bằng chứng khiếu nại

Cũng theo ông Brian, trong Bản giải trình chi tiết ngày 6/11/2010, MegaStar đã đề xuất CQLCT quyết định tuyên bố Công ty CP Phim Thiên Ngân (Galaxy) không đủ điều kiện là Bên khiếu nại vì không có bằng chứng Galaxy có liên quan hay bị ảnh hưởng gì bởi các hành vi do Bên khiếu nại cáo buộc.

Có thể thấy, trong Đơn Khiếu nại của sáu doanh nghiệp gửi đến CQLCT, không có bất kỳ khiếu nại nào về tình trạng thua lỗ trên thị trường dịch vụ phát hành phim của các nhà phát hành phim có liên quan. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, không chỉ riêng MegaStar mà tất cả các nhà phát hành phim khác nói chung cũng đang tăng trưởng cả về quy mô lẫn doanh thu từ việc phát hành phim của mình. Các số liệu cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về mặt doanh thu bán vé của các rạp nhận phim do MegaStar phát hành trong giai đoạn từ khi MegaStar được thành lập vào năm 2005 cho đến nay.


Nhìn chung, những doanh nghiệp có liên quan đều đang được hưởng lợi từ sự phát triển lành mạnh của thị trường phát hành cũng như thị trường chiếu phim và ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam nói chung. "Khán giả chính là người cuối cùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trên thị trường. Với sự đầu tư của MegaStar để mang các sản phẩm phim đa dạng hơn đến thị trường Việt Nam cũng như xây dựng các rạp chiếu phim hiện đại, khán giả xem phim tại Việt Nam ngày nay đang có nhiều sự lựa chọn xem phim ở nhiều rạp khác nhau ở các phân khúc thị trường khác nhau. Họ có thể chọn tiếp tục xem phim như trước đây, nghĩa là phim có thời gian phát hành tại Việt Nam sau từ vài tuần đến một tháng so với ngày phát hành trên thế giới. Và giờ đây họ còn có thêm cơ hội được thưởng thức các bộ phim bom tấn mới nhất, hấp dẫn nhất cùng thời điểm với khán giả ở các thị trường phát triển nhất trên thế giới như Bắc Mỹ và Châu Âu", ông Brian phân tích. Theo MegaStar, chính những phản hồi và sự ủng hộ tích cực của khán giả đối với các sản phẩm phim mới này là động lực thúc đẩy MegaStar và các hãng phim tiếp tục đầu tư để mang nhiều sản phẩm phim mới đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, báo giới vẫn còn băn khoăn vì chưa được biết tất cả những điều khoản do 6 doanh nghiệp vừa bổ sung thêm bằng văn bản - cụ thể là những điều gì? Chỉ biết rằng bên phía nguyên đơn đã tự rút đi một điều khoản khiếu nại.

Và các thắc mắc về vụ việc này sẽ chưa thể chấm dứt cho đến khi Cục Quản lý cạnh tranh chấm dứt điều tra và đưa ra kết luận vào ngày 18/12/2010 tới.

Một số thông tin về tiến trình vụ việc:

• Vào tháng 3/2010, sáu doanh nghiệp chiếu phim, bao gồm Công ty CP Điện ảnh truyền thông Sài Gòn, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, Công ty CP điện ảnh Sài Gòn, Công ty CP Phim Thiên Ngân, Công ty điện ảnh 212 và Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội đã nộp Đơn Khiếu Nại lên CQLCT cáo buộc công ty đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
• Vào ngày 7/6/2010, MegaStar gửi Bản giải trình đầu tiên về vụ việc lên CQLCT trong lúc chưa được cung cấp đơn khiếu nại của các bên khiếu nại. Trong bản giải trình này, MegaStar đã yêu cầu CQLCT không công nhận tư cách bên khiếu nại của hai trong số 6 doanh nghiệp đứng trong bên khiếu nại do hai đơn vị này không có quan hệ làm ăn với MegaStar hoặc chưa bao giờ phát hành phim chiếu vòng đầu theo chính sách MPC. Thêm vào đó, MegaStar cũng đã chứng minh rằng ngoài các lập luận và giải thích hết sức chủ quan, các bên khiếu nại không hề nộp các chứng cứ để chứng minh cho các cáo buộc của mình là có cơ sở.
• Vào ngày 8/6/2010, MegaStar đã tham dự phiên họp điều trần với CQLCT.
• Vào ngày 18/6/2010, CQLCT đã có Quyết định số 67 về việc điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh, chỉ còn lại 4 bên khiếu nại trong vụ việc này, đó là Công ty CP điện ảnh Sài Gòn, Công ty CP Phim Thiên Ngân, Công ty CP Điện ảnh truyền thông Sài Gòn, Công ty Điện ảnh 212.
• Vào ngày 17/9/2010, 4 bên khiếu nại đã nộp Bản giải trình bổ sung cho Đơn khiếu nại đến CQLCT, trong đó đã đính chính và rút lại cáo buộc MegaStar đã áp đặt giá vé tối thiểu cho khán giả bằng việc quy định giá vé trong các TXNĐP.
• Vào ngày 18/10/2010, MegaStar đã được cung cấp bản sao đơn khiếu nại và một vài chứng cứ (không phải tất cả) mà các bên khiếu nại đã nộp lên CQLCT.
• Vào ngày 6/11/2010, MegaStar đã nộp Bản giải trình chi tiết lên CQLCT.
• Cuộc điều tra có thể chấm dứt và đưa ra kết luận vào ngày 18/12/2010, trừ phi CQLCT muốn gia hạn thời gian điều tra.
• Sau đó, dựa trên quyết định của CQLCT, vụ việc có thể được mang ra xử tại Ủy ban Cạnh tranh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
MegaStar trần tình về vụ cáo buộc phá giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.