(HNMO) - Sáng 20-8, tại phòng Thư viện Viện Goethe (35 Cao Bá Quát, Hà Nội), Nhà xuất bản Phụ Nữ và Viện Goethe đã tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm chủ đề
"Thư gửi con" và "Màu của nước" là hai cuốn sách nói về vai trò giáo dục của người mẹ đối với con cái, do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành. Nếu như “Thư gửi con” là câu chuyện mềm mại của một người phụ nữ Huế định cư ở nước Đức nhưng vẫn giữ hồn cốt Việt trong việc nuôi dạy con gái, thì “Màu của nước” là câu chuyện đầy sóng gió của một người phụ nữ da trắng nuôi dạy 12 đứa con trong khu ổ chuột của người da màu (người phụ nữ bị đẩy ra khỏi gia đình mình, ra khỏi tôn giáo của mình, vì cuộc hôn nhân với người đàn ông khác màu da). Những người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy có sức mạnh tiềm ẩn từ bên trong - sức mạnh của tình mẫu tử - để mỗi khi con cái cần trợ giúp, họ trở nên vững vàng, quyết liệt, gan dạ, sáng suốt, bất chấp nghịch cảnh.
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan đã kể những câu chuyện nhỏ trong việc dạy con, đặc biệt là dạy về tình yêu thương và sự chia sẻ, trong bối cảnh định cư ở nước Đức với nhiều khác biệt về văn hóa với người Châu Á.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng đã chia sẻ với độc giả câu chuyện riêng của mình - một người mắc bệnh nan y, vượt qua nghịch cảnh nhờ tình cảm với người mẹ. Cô tâm sự: "Khi bác sĩ nói bệnh của tôi không chữa được, tôi tuyệt vọng, nhưng tôi nghĩ mình còn có mẹ. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, mẹ tôi là người mạnh mẽ nhất, yêu con theo cách của riêng mình. Bà luôn để khoảng không cho các con được lựa chọn con đường mình đi, được phát huy tiềm năng tự học, làm nên sự khác biệt".
Dịch giả cũng kể những câu chuyện, cảm xúc của mình khi dịch cuốn "Màu của nước", ví như hình ảnh người mẹ ngủ gục trên cuốn vở bài tập của con mình, hay câu chuyện về sự nỗ lực tìm kiếm trường học tốt nhất cho con của bà, cách truyền niềm tin cho con, rằng nếu quyết tâm, nỗ lực hết sức, tự đi bằng đôi chân của mình, con sẽ có ngày vươn lên, trưởng thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.