Thời gian qua, song song phát triển nông nghiệp, huyện Mê Linh tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, các chủ thể trên địa bàn huyện đã có 75 sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của địa phương, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, mở ra nhiều cơ hội cho nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Ghi nhận thực tế tại “vựa” rau thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho thấy, 18 sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao được phân hạng sản phẩm 3 sao đến 4 sao đều gắn liền với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hợp tác xã liên kết với các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 200ha trồng các loại rau, củ, quả. Hằng năm, hợp tác xã sản xuất, đưa ra thị trường khoảng 30.000 tấn rau, củ, quả, thu nhập đạt 300-500 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, khi sản phẩm của hợp tác xã được công nhận OCOP và thị trường đón nhận, nhu cầu tiêu thụ ngày càng ổn định, nhiều doanh nghiệp tham quan và đặt hàng sản xuất.
Trong khi đó, tại xã Tam Đồng, địa phương có thế mạnh sản xuất lúa nếp đã được huyện Mê Linh quy hoạch 100ha chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao. Nắm bắt lợi thế đó, nhiều tổ chức, cá nhân tới liên kết với nông dân sản xuất lúa nếp làm nguyên liệu chế biến sản phẩm cốm cung cấp cho thị trường. Điển hình, từ đầu năm 2023, trên diện tích hơn 10ha thuê của các hộ dân, Hợp tác xã Green Farm Mê Linh ở thôn Cư An (xã Tam Đồng) đã xây dựng thành cánh đồng mẫu lớn chuyên canh lúa hữu cơ chất lượng cao để chế biến thành sản phẩm OCOP như: Cốm ngọc tươi, bánh cốm, xôi cốm và chả cốm Green Farm..., giúp nâng cao giá trị kinh tế.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Green Farm Mê Linh Trần Thùy Liên, từ khi hình thành được vùng nguyên liệu, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín; tạo điều kiện cho các hộ dân đổi mới quy trình kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; giúp hợp tác xã tạo số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn, góp phần duy trì chuỗi cung ứng phục vụ tiêu dùng.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng cho biết, toàn huyện hiện có hơn 8.200ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 57% diện tích. Để phát triển sản xuất quy mô lớn, huyện đã quy hoạch 13 vùng trồng trọt chuyên canh quy mô từ 20ha trở lên, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cốm tại các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập; vùng cây ăn quả tại các xã: Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thắng; vùng trồng hoa hồng chất lượng cao tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh; vùng trồng rau an toàn các loại tại các xã: Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê… Từ các quy hoạch này, trong 5 năm qua, Mê Linh đã xây dựng được 75 sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng, thế mạnh từng vùng, như: Các loại rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao; hoa lan Hồ điệp của Mê Linh F-Farm (xã Đại Thịnh); hoa hồng bon sai của hộ kinh doanh nhà vườn Tài Lý (xã Mê Linh); hoa cúc Đại Bái của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Bái (xã Đại Thịnh); ổi, đu đủ, táo của Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh)…
Để tiếp tục phát huy thế mạnh từng địa phương về sản xuất nông nghiệp, trong kế hoạch sản xuất năm 2024, Mê Linh khuyến khích các xã, thị trấn chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; chú trọng phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: Giống lúa chất lượng cao; giống rau, hoa, khoai tây, cây ăn quả, thủy sản, phù hợp điều kiện đất đai từng địa phương. Huyện cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi xa khu dân cư, hình thành trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường, tạo tiền đề đến năm 2025 huyện Mê Linh xây dựng được 122 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, góp phần để Mê Linh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp xanh, đạt giá trị cao, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.