Thời điểm này, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lớn của thành phố Hà Nội vẫn chìm trong nước do ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3 gây ra.
Để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, những ngày qua, các lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, đoàn viên, thanh niên đã chung tay, góp sức hỗ trợ nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu; những diện tích trồng lúa chưa thể thu hoạch bị đổ sau bão được dựng, buộc lại nhằm giảm thiệt hại… Tuy vậy, do mưa lũ lớn, phức tạp, diễn ra trong nhiều ngày nên dự báo ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ thiệt hại nặng nề, nhiều khu vực nông dân sẽ trắng tay sau lũ.
Đáng nói, những vựa sản xuất lương thực, thực phẩm, hoa cây cảnh của Hà Nội bị thiệt hại nặng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường. Để bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm, rau, quả thiếu hụt do mưa lũ, các đơn vị chức năng đang tăng lượng hàng nhập từ các tỉnh miền Nam.
Tuy nhiên, về lâu dài, đặc biệt là thời điểm từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán năm 2025, nhu cầu lương thực, thực phẩm, sản phẩm hoa, cây cảnh sẽ tăng cao, đặt ra yêu cầu với các địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, là tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất sau khi nước lũ rút.
Nhận thức rõ tầm quan trọng này, trong 7 nhiệm vụ cấp bách chỉ đạo về ứng phó và các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặt nhiệm vụ khôi phục sản xuất nông nghiệp ở vị trí số 1. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: Kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập, bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất; huy động các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, hội viên, đoàn viên và huy động sự vào cuộc của người dân để buộc dựng, cứu lúa đối với diện tích lúa bị đổ, cây xanh, rau màu các loại, các khu chăn nuôi tập trung, các dự án trồng rau tập trung; xây dựng và triển khai phương án phục hồi sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông để bù đắp cho những diện tích rau màu vụ mùa bị thiệt hại; vận động, hỗ trợ nông dân chuẩn bị cây, con giống để sẵn sàng gieo trồng, chăn nuôi ngay khi có thể, bảo đảm phục hồi sớm nhất hoạt động sản xuất...
Như vậy, nhiệm vụ đặt ra với các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại là rất nặng nề. Đó là, bên cạnh việc giúp người dân khắc phục thiệt hại ngay trước mắt, bảo vệ, khôi phục cho được các diện tích lúa, hoa màu có thể cứu được sau lũ, cần khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư nông nghiệp, cây con giống, máy móc trang thiết bị… để tiến hành sản xuất ngay khi nước lũ rút đi.
Hiện ngành Nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã, đang chuẩn bị mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất ngay sau khi nước lũ rút. Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý là thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, do đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần cân nhắc trên cơ sở thực tế để bố trí cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi hợp lý, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, bà con nông dân, ngoài tập trung chăm sóc những diện tích có thể cứu được sau mưa bão, cần khẩn trương thu dọn, vệ sinh ruộng, vườn, khu chăn nuôi bị ngập lụt theo hướng dẫn của ngành chức năng để sớm bắt tay vào khôi phục sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi một cách nhanh và hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.