Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẹ, con… và những khoảnh khắc nghệ thuật

Đàm Chân| 24/01/2012 07:07

(HNMCT) - Tài năng, sức cống hiến cho nghệ thuật nước nhà của người mẹ trong hai cuộc kháng chiến cứu nước đã trở thành mốc son cho một thế hệ văn công. Còn người con trai, những ca khúc do anh sáng tác đã “nằm lòng” trong người hâm mộ.


Cha, mẹ - dấu son của một thế hệ văn công

Hỏi thăm đến nhà nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Bích không khó, bởi ở khu tập thể Thành Công không ai là không biết cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng thuở nào: Nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Bích của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam) và nghệ sĩ arcodion Xuân Tứ. Ngay chân cầu thang, một thanh niên dí dỏm: Cứ theo tiếng nhạc mà tìm đến nhà nghệ sĩ. Bước theo từng bậc cầu thang cũ kỹ của khu nhà tập thể xây dựng cách đây hơn 30 năm lên tới tầng 4, tiếng nhạc to dần, gần hơn… Bên chiếc đàn Organ, nghệ sĩ Xuân Tứ đang tỉ mẩn chỉ những nốt nhạc cho một sinh viên trường nhạc, còn bên cửa sổ nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích ngồi trầm ngâm dõi theo từng tiếng đàn.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích trong điệu múa Tây Nguyên biểu diễn tại Nhật Bản năm 1968 và nhạc sĩ Xuân Phương.


Dù đã ở tuổi 75 nhưng nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích vẫn thu hút người đối diện bởi vẻ đẹp của người con gái thành Tuyên. Bà chỉ những bức ảnh đen trắng treo trên tường nhà, ở mỗi bức ảnh là khoảnh khắc của mỗi thời con gái và cũng là những khoảnh khắc nghệ thuật mà bà có 24 năm cống hiến. Tong mỗi bức ảnh đó, khi là Nguyễn Thị Bích diễn múa Tây Nguyên ở Nhật Bản, khi là múa nón ở Paris, múa quạt ở Cu Ba, khi hóa thân vào vai Tấm…

Cô gái của tỉnh Tuyên Quang đang ở độ tuổi đẹp nhất - 16 tuổi - Nguyễn Thị Bích lọt vào mắt hai tác giả Nguyễn Xuân Khoát và Học Phi - là hai trong những người đầu tiên của Đoàn văn công nhân dân Trung ương do Bác Hồ và Trung ương Đảng chỉ thị thành lập tại chiến khu Việt Bắc, trên đường đi tìm kiếm các diễn viên cho Đoàn. Nguyễn Thị Bích lúc đó được tác giả Học Phi hướng cho tập kịch, nhưng Bích thích múa. Những ngày đầu gian khó ấy, cùng các nghệ sĩ, diễn viên đầu tiên của Đoàn như: Phùng Nhạn, Như Bình, Mạnh Hùng (chồng của NSND Chu Thúy Quỳnh), Nguyễn Thị Bích đã có những buổi biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào ở khắp chiến khu Việt Bắc. Các tiết mục ngày đó cũng đơn giản, do tự bản thân diễn viên tự biên tự diễn với các tiết mục múa quạt, múa nón, múa cờ… Bà vừa kể, vừa chỉ lên mặt mình, rằng những nếp nhăn, vết da sạm là “thành tích” của một thời văn công muốn đẹp hơn trong mắt công chúng thì giã thạch cao ra làm phấn trắng bôi mặt, giã gạch non ra làm son bôi môi, lấy nhọ nồi ở đít chảo, nồi làm chì đen bôi mắt… Sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ ngày đó lúc ở lán nhỏ trong rừng, khi trên mô đất, lần ở bãi cỏ vậy mà vẫn tưng bừng, văn công đi đến đâu, chiến sĩ và nhân dân hò reo, cổ vũ.

Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng tài năng của những nghệ sĩ đoàn văn công đã khẳng định qua rất nhiều tiết mục ca múa nhạc. Vậy nên, Nguyễn Thị Bích và nhiều gương mặt nghệ sĩ của đoàn đã được Bác Hồ chọn đi cùng Bác trong chuyến thăm 12 nước Xã hội chủ nghĩa khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công. ở chuyến đi này, nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích kể rằng đã có không ít kỉ niệm. Nhớ nhất có lẽ là những buổi diễn trên những sân khấu rộng lớn, hiện đại, vừa rộn rã trong niềm vui của những lời hò reo Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… vừa mỏi chân vì chạy biểu diễn trên sân khấu nước bạn!

Ký ức nối tiếp ký ức, nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích kể rằng sau chuyến đi công diễn 7 tháng qua 12 nước lần đó, trở về nhà con gái đầu lòng Thanh Thủy chào mẹ bằng cô, chào bố bằng chú. Bà cười trong đôi mắt ngấn đỏ, đẻ con gái thứ 2 - Thanh Hương mới đầy tháng thì đã có lệnh đi biểu diễn ở mặt trận Quảng Bình, trên đường đi vừa vắt sữa bỏ đi mà mắt khóc đỏ vì thương con!.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích lại tiếp tục lên đường, hòa trong những cuộc hành quân của người lính ra mặt trận để biểu diễn. Những vai diễn trong vở “Chị Tấm, anh Điền”, “Tấm Cám”, nhiều tiết mục hát múa, cùng các anh em nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn, Nguyễn Thị Bích có mặt ở các mặt trận của địa đạo Vĩnh Linh, khi diễn bên bờ Hiền Lương, lúc bên mâm pháo… biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Tới năm 1968, Nguyễn Thị Bích là gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của Đoàn được chọn đi biểu diễn ngoại giao tại Nhật Bản. Sau những buổi biểu diễn, bà là người được Đài truyền hình và Đài phát thanh Nhật Bản chọn phỏng vấn. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích nhớ lại buổi phỏng vấn hôm ấy của phóng viên nước bạn:

- ở trong nước bà yêu quý và khâm phục ai nhất? - Không chỉ có tôi mà những người dân nước tôi rất yêu quý và khâm phục Bác Hồ.

- Trong những ngày này Mỹ đang bắn phá Việt Nam rất ác liệt, bà lại sang Nhật Bản để biểu diễn thì có lo cho gia đình và con cái ở nhà không? - Đó là nỗi lo chung của người dân nước tôi, nhưng tôi sang đây biểu diễn để Nhật Bản hiểu được vẻ đẹp của Việt Nam và yêu đất nước Việt Nam hơn.

- Các chị đã đóng góp gì cho kháng chiến? - Chúng tôi là những người không cầm súng, nhưng chúng tôi đóng góp cho đất nước bằng cách dàn dựng và biểu diễn những tiết mục nghệ thuật, tới biểu diễn động viên chiến sĩ và đồng bào trước và sau mỗi trận đánh. Nên chúng tôi được anh em chiến sĩ dành tặng cho câu thơ: Hôm nay bắn rơi máy bay/ Chiến công một nửa thuộc về văn công.

24 năm theo đuổi nghệ thuật múa, nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích bảo rằng đó là khoảng thời gian đẹp và tự hào nhất của một đời người. Bên ô cửa sổ ngôi nhà, bà nhìn sang khung cảnh của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam - nơi hơn nửa thế kỷ trước bà là một trong những gương mặt nghệ sĩ đầu tiên. Khi biết tin năm nay Nhà hát sẽ dựng vở múa “Mệnh trời tình đất” để làm tác phẩm nghệ thuật chào mừng 60 năm thành lập (14-11-1951/14-11-2011), nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích mừng lắm. Bà bảo rằng, đúng tròn nửa thế kỉ Nhà hát mới dựng một vở kịch múa có quy mô lớn thứ hai. 50 năm về trước, vở kịch múa “Tấm Cám” là vở diễn đầu tiên và cho đến ngày nay nó vẫn được giới nghệ thuật nhắc đến với hàng trăm buổi diễn trên khắp các sân khấu trong và ngoài nước. ở vở diễn này, Phùng Thị Nhạn và Nguyễn Thị Bích đã được chuyên gia Triều Tiên giao thay nhau đảm nhận vai Tấm, còn Chu Thúy Quỳnh vào vai Cám. Nhưng nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích vui hơn khi anh con trai út của mình - nhạc sĩ Xuân Phương về khoe với bà sẽ viết nhạc cho vở kịch múa “Mệnh trời tình đất”.

Con - nhạc sĩ trẻ được lòng công chúng

Khi phim truyền hình trở thành “món ăn tinh thần” quen thuộc, thì cũng là lúc khán giả truyền hình quen với cái tên nhạc sĩ Xuân Phương. Có lẽ khán giả của bộ phim truyền hình “Xin hãy tin em” sản xuất từ năm 1997 vẫn sẽ luôn nhớ những giai điệu trong bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” với ca từ mộc mạc, nhưng không kém phần da diết sáng tác về tuổi học trò. Từ ngày đó đến nay, bài hát dường như được “vận dụng” triệt để trong những buổi liên hoan chia tay của học sinh, sinh viên. Nối tiếp đó là ca khúc “Lời ru cho con” trong phim “Của để dành”, “Nếu phải xa nhau” trong phim “Sóng ngầm”, “Lời chưa nói” trong phim “Phía trước là bầu trời”, hiện tại là nhạc phim “Cầu vồng tình yêu”… Những ca khúc ấy Xuân Phương bảo rằng chủ đích của anh là phục vụ cho phim, nhưng thành công đã vượt ngoài mong đợi khi nó được ca sĩ trình diễn cả trên sân khấu âm nhạc.

Sinh trưởng trong ngôi nhà nghệ thuật, 6 tuổi Xuân Phương được bố Xuân Tứ hướng dẫn tập cho những nốt nhạc, phím đàn đầu tiên. Rồi 18 năm theo học khoa piano và sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội đã trang bị cho Xuân Phương một nền tảng âm nhạc vững chắc. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích bảo rằng, không ít lần các chuyên gia nước ngoài đến trường, thấy được tài năng của Xuân Phương và ngỏ ý xin gia đình và nhà trường cho Phương ra nước ngoài học tập, thì gia đình lại quyết giữ Phương ở lại, vì một phần là con trai út, phần hơn là nghệ thuật nước nhà đang mở rộng cánh cửa cho những tài năng trẻ như Phương. Bởi lý do nữa, trong gia đình nghệ thuật ấy, người chị gái thứ 2 - nghệ sĩ Thanh Phương đã là học viên của Nhạc viện Tchaikovsky và hiện nay đang là chỉ huy dàn nhạc của Thụy Điển.

Ngay khi còn học trên ghế nhà trường, Xuân Phương đã xác định rõ con đường âm nhạc của mình: làm thứ âm nhạc mới, trẻ trung phù hợp với cuộc sống đương đại. Vậy nên, những sáng tác của Phương gắn với người trẻ, gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại. Vì thế thuở ban đầu anh chọn sáng tác ca khúc và làm nhạc phim. Phương nói rằng khi anh sáng tác, anh đã “nhắm” người hát ca khúc của mình, nên những ca khúc của Phương người nghe thì mang tính đại chúng, nhưng người hát thì chỉ duy nhất, ít phổ cập. Xuân Phương đồng ý với ý kiến cho rằng nghề sáng tác nhạc phim của anh đang ở độ “hot”, đắt “sô”… vì trên hàng trăm kênh truyền hình của khắp đất nước Việt Nam, người người, nhà nhà xem phim truyền hình. ở không ít những bộ phim của tư nhân hay nhà nước sản xuất, người ta luôn thấy tên nhạc sĩ Xuân Phương. Phương nói rằng, trong âm nhạc anh không có quan niệm tiền nào của nấy. Tên của mình ở đó thì không thể làm nhạc dở.

Tưởng Xuân Phương chỉ đắt “sô” và nhận làm nhạc phim, sáng tác ca khúc, nhạc quảng cáo, hóa ra vị nhạc sĩ này còn thể hiện tài năng âm nhạc của mình trên những tác phẩm sân khấu các mạng và lịch sử. Từ nhạc kịch “Đất nước đứng lên”, “Hòn đất”, tới kịch múa “Ngọn lửa Hà thành”, rồi mới đây là “Mệnh trời tình đất” và hàng chục các bản nhạc dàn dựng cho sân khấu các đơn vị nghệ thuật trong nước. ở mỗi tác phẩm âm nhạc Xuân Phương làm, dù là trên phim ảnh hiện đại, vở diễn cách mạng hay lịch sử mang tính đặc thù khác nhau thì khán giả vẫn cảm nhận được những giá trị nghệ thuật, giai điệu hấp dẫn trong cách làm, cách phối nhạc của Phương.

Nhạc sĩ Xuân Phương bộc bạch, để có những tác phẩm âm nhạc và uy tín trong làng nghệ thuật Việt Nam hôm nay, anh luôn cảm ơn những thành viên nghệ thuật trong gia đình mình, mẹ Nguyễn Thị Bích là tấm gương nghệ sĩ vượt qua nhiều gian khó để cống hiến cho đất nước; bố - nghệ sĩ, nhà giáo Xuân Tứ là tấm gương để anh học hỏi và trao đổi các phương pháp giảng dạy học trò. Để hôm nay, trên con đường hoạt động nghệ thuật kiêm giảng viên dạy piano và sáng tác ở trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Xuân Phương đều phát huy được tài năng của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹ, con… và những khoảnh khắc nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.