Con tôi 30 tháng tuổi, đêm nào cháu cũng tiểu dầm nhiều lần. Cháu cũng hay thức dậy đòi uống nước, một đêm 2-3 lần.
Như vậy con tôi có bị bệnh lý hay không? Tôi phải làm sao để khắc phục tình trạng của cháu. Cảm ơn bác sĩ. (Thanh Tâm)
Trả lời:
Chào bạn,
Tiểu dầm ban đêm (có thuật ngữ: Nocturnal enuresis) chỉ tình trạng tiểu mất kiểm soát khi ngủ vào ban đêm. Chứng này thường gặp ở khoảng 1/5 trẻ. Tình trạng này không nặng nhưng gây ra nỗi lo lắng cho các bậc cha mẹ và gây áp lực tâm lý lớn đối với bản thân trẻ.
Ảnh minh họa: Stonypointsc.com. |
Việc bàng quang có thể kiểm soát việc đi tiểu ban ngày (thường sau tuổi lên 3) sẽ hình thành trước khi có thể kiểm soát việc tiểu dầm ban đêm (thường sau tuổi đến trường - lên 6). Vài trẻ cũng có thể gặp tình trạng tiểu dầm này ở lứa tuổi 7-8. Nếu ban ngày trẻ không kiểm soát được việc nhịn và đi tiểu đúng lúc được gọi là tiểu không kiểm soát (incontinence).
Từ sau 5 tuổi, tỷ lệ các cháu còn gặp chứng tiểu dầm ban đêm sẽ giảm dần: 5 tuổi còn 20%, 6 tuổi là 12%, 7 tuổi 10%... và 16 tuổi vẫn còn khoảng 1% trẻ tiểu dầm.
Việc kiểm soát bàng quang được hoàn thiện dần theo tuổi:
- Từ sơ sinh đến 18 tháng: Trẻ không biết cảm giác khi bàng quang đầy hay cần tiểu.
- Tuổi từ 18 đến 24 tháng: Trẻ đã có cảm giác, có ý thức để tiểu.
- Lứa tuổi 2-3: Hầu hết trẻ phát triển khả năng kiểm soát việc nhịn tiểu và đi tiểu vào ban ngày và phát triển kỹ năng đi vệ sinh khi thích hợp.
- Lứa tuổi 3-5: Hầu hết trẻ em đã đạt được kiểm soát nước tiểu và không bị tiểu dầm cả ngày lẫn đêm.
Hầu hết trẻ không bị tiểu dầm vào ban đêm sau 3 đến 5 tuổi. Để làm được điều này, đầu tiên, bàng quang sẽ gửi một tín hiệu đến não rằng bàng quang đã đầy nước tiểu và não sẽ gửi một tín hiệu trở lại làm cho bàng quang giãn ra, do đó, nó có thể giữ thêm được nước tiểu nhiều hơn. Thứ hai, nếu bàng quang không thể giữ tất cả nước tiểu cho đến sáng, nó tiếp tục phát tín hiệu lên não cho đến khi trẻ thức dậy và đi vào phòng tắm. Đái dầm xảy ra do sự chậm trễ trong một hoặc cả hai bước này.
Vì vậy, với trẻ của bạn mới 30 tháng, vẫn có thể theo dõi thêm một thời gian ít nhất 6 tháng đến một năm, nhiều nhất có thể đến 5 tuổi. Nếu trẻ không cải thiện bạn có thể đưa bé đến khám với các bác sĩ niệu nhi để đánh giá và điều trị khi cần thiết.
Chúc bạn vui, khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.