(HNMO) - Hành trình hai thập kỷ của những chiếc máy nghe nhạc đã thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp giải trí thế giới giờ đây đi vào hồi kết.
Việc iPod bị khai tử là điều được giới chuyên môn dự đoán từ lâu, bởi sản phẩm này giờ đây không còn vai trò quá lớn trong danh mục sản phẩm của Apple.
Thời gian qua, iPod chỉ còn là lựa chọn thay thế cho những người dùng không muốn mang theo điện thoại khi đi tập thể dục, hoặc thiết bị giải trí cho trẻ em. Hệ quả là, từ năm 2019, iPod đã không có bất cứ thay đổi nào. Thậm chí, ngoại hình máy cũng được giữ nguyên suốt từ năm 2012 tới nay.
Tuy nhiên, sự ra đi của iPod không khỏi khiến giới công nghệ bùi ngùi, bởi chiếc máy này từng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử của Apple cũng như ngành công nghệ, giải trí toàn cầu.
Mẫu iPod đầu tiên trình làng vào tháng 10-2001, được xem là đột phá khi hầu như việc kinh doanh của “Táo” thời điểm đó - vốn cũng còn rất bấp bênh - đều tập trung vào những chiếc máy tính Mac.
Không chỉ mang về lợi nhuận, iPod cũng đưa Apple từ chỗ chỉ là nhà sản xuất máy tính nhỏ trở thành đại gia hàng đầu về sản phẩm điện tử tiêu dùng như ngày nay.
Chỉ vài năm sau khi ra mắt, iPod đã thống trị hoàn toàn thị trường máy chơi nhạc MP3 nhờ thiết kế đẹp mắt, bộ nhớ lớn, sự nhỏ gọn và dễ sử dụng. So với những chiếc máy chơi đĩa CD cồng kềnh hay máy nghe nhạc MP3 xấu xí ở thời điểm bấy giờ, iPod thực sự là cuộc cách mạng.
Hệ quả là, doanh số iPod đã tăng trưởng chóng mặt. Chỉ riêng năm 2006, chiếc máy này đã mang về tới 40% doanh thu của Apple, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hãng công nghệ Mỹ.
Thực tế, sự ra đời của iPhone vào năm 2007 cũng thừa hưởng nhiều danh tiếng của iPod. Người dùng khi đó tò mò về iPhone vì mong muốn sở hữu một “chiếc iPod có thể gọi điện thoại” thay vì dòng điện thoại thông minh mới mẻ nào đó. Năng lực trình diễn đa phương tiện cũng là thế mạnh giúp iPhone nhanh chóng gây dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng iPhone cũng chính là lý do suy tàn của iPod, khi người dùng nhận ra mình chỉ cần một thiết bị số trong túi. Kể từ năm 2010 tới nay, doanh số iPhone tăng mạnh cũng là lúc lượng bán ra của iPod tuột dốc không phanh.
Sức ảnh hưởng của iPod còn vươn xa ngoài lĩnh vực công nghệ. “Bộ đôi” phần cứng iPod và phần mềm iTunes đã đặt dấu chấm hết cho các mô hình phát hành âm nhạc kiểu truyền thống qua đĩa quang hay băng từ, mở ra kỷ nguyên kỹ thuật số. Sau khi iPod xuất hiện, hầu hết sản phẩm âm nhạc mới đều phát hành dưới dạng tập tin kĩ thuật số (như MP3) và qua hệ thống cửa hàng trực tuyến.
Có thể khẳng định, iPod sẽ luôn có chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử ngành công nghệ. iPod đã mang tới cơ hội cho phép Apple vượt qua sóng gió để trở thành tên tuổi khổng lồ như ngày nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.