Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mấu chốt là xác định vị trí việc làm

Hà Phong| 07/10/2015 07:13

(HNM) - Tính đến tháng 9-2015, Việt Nam có 122 thứ trưởng và cấp tương đương. Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh là 242 người, vượt 13 người so với quy định.


Từ ngày 1-1-2016, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có hiệu lực thi hành, ở các bộ, ngành và địa phương số lượng cấp phó vượt quy định bắt buộc phải giảm. Chất lượng cán bộ và chế độ trách nhiệm trong quản lý, điều hành thời điểm này sẽ ra sao là vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm.



"Lạm phát" cấp phó

Đây từng là nội dung gây nhiều tranh luận tại các phiên thảo luận, chất vấn ở nghị trường Quốc hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong lĩnh vực nội vụ, việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay có một số đổi mới. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh. Hiện, ở cấp tỉnh có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và một số cơ quan được thành lập theo đặc thù riêng. Cấp huyện có 10 cơ quan được tổ chức thống nhất, 2 cơ quan được tổ chức cho phù hợp với từng loại đơn vị hành chính cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng) và 1 cơ quan đặc thù là Phòng Dân tộc. Ở cấp trung ương, tổng số cán bộ cấp thứ trưởng một số cơ quan cũng có biến động do sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ. Theo đó, tính đến tháng 9-2015, có 122 thứ trưởng và tương đương (bằng số lượng đầu nhiệm kỳ); có 242 phó chủ tịch UBND cấp tỉnh (nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 13 người so với quy định và so với đầu nhiệm kỳ giảm 1 người). "Số lượng cấp phó ở các bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Ngoài quy định nêu trên, tại báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 công bố cuối tháng 9-2015 cho thấy, sau các chất vấn của đại biểu Quốc hội về hiện tượng "phình" cán bộ, nở rộ cấp phó, các thành viên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp xây dựng, ban hành nhiều văn bản hướng đến mục tiêu không tăng biên chế công chức, viên chức, chỉ tuyển dụng mới 50% số biên chế nghỉ hưu, tinh giản. Đáng lưu ý hơn là mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% số công chức và 20% số viên chức trong tổng biên chế.

Xây dựng vị trí việc làm - tiền đề đổi mới

Không hài lòng với các thông tin chung chung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn dàn trải và mờ nhạt về việc đánh giá đội ngũ cán bộ. Đáng lẽ, Bộ Nội vụ và các địa phương phải rút ra được các vấn đề như năng lực cán bộ, việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật ra sao, có đáp ứng được quá trình đổi mới, cải cách hành chính, cải cách tư pháp tới đây hay không. Nhưng hầu hết các vấn đề rất quan trọng này đều để ngỏ. Qua tổng kết thực tiễn, mặc dù các cơ quan của bộ máy nhà nước có nhiều cố gắng nhưng không thiếu những quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp. Thể hiện rõ nhất ở đơn thư khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực không giảm.

"Vì vậy, cần đánh giá lại việc tuyển chọn, bổ nhiệm, chất lượng cán bộ mới có cơ sở hoạch định cán bộ" - ông Quyền nêu quan điểm. Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, chúng ta có Luật Công chức, viên chức, luật chuyên ngành tuy nhiên khi có vụ việc bất cập xảy ra thì việc xác định trách nhiệm không rõ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lại cho rằng, trong một số lĩnh vực, không phải thiếu cơ chế chính sách vận dụng mà do bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ "có vấn đề". Đơn cử, giám sát về quản lý sử dụng đất đai nông, lâm trường, có những trường hợp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe và có kết luận yêu cầu xử lý 2 năm nay nhưng cơ sở cứ lòng vòng để đó, không cương quyết xử lý, gây mất lòng tin trong dân. Tình hình giải quyết đất sản xuất cho đồng bào vùng Thủy điện Sơn La qua 5 năm còn lúng túng, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành còn rời rạc dù có hẳn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Còn theo đánh giá của cơ quan thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước còn vượt so với quy định, một số địa phương vẫn sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao.

Những bất cập trên cho thấy, so với yêu cầu, việc thực hiện đổi mới chế độ công vụ, công chức vẫn còn chậm. Gốc ở đây là phải triển khai xây dựng vị trí việc làm - tiền đề lớn để thực hiện chuyển đổi phương pháp quản lý nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước từ mô hình chức nghiệp hiện tại sang mô hình vị trí việc làm trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm. Thông qua đó giúp mỗi cơ quan, đơn vị tránh tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực; phân định được rõ người làm tốt với người làm chưa tốt.

Thế nhưng thông tin Bộ Nội vụ cung cấp, vẫn còn có bộ, ngành và tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc xác định danh mục vị trí việc làm gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Trong khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có hiệu lực thi hành. Số lượng cấp phó, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ còn không quá 5 (riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6). Đối với cơ cấu cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập, UBND xã cũng sẽ tiếp tục giảm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mấu chốt là xác định vị trí việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.