Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mấu chốt là thẩm quyền xét xử

Hà Phong| 28/10/2015 06:26

(HNM) - Làm thế nào để người dân khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền với thủ tục đơn giản, thuận tiện, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án là vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra ngày 27-10


Ngại "quân ta xử quân mình"

ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhận định, lâu nay người dân bị ảnh hưởng lợi ích bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính thường đi theo con đường khiếu nại mà ít lựa chọn tố tụng hành chính. Có nhiều lý do, trong đó mấu chốt là e ngại "quân ta xử quân mình" và người dân lo lắng họ sẽ ở thế yếu. Để xóa bỏ tâm lý đó, ĐB Tô Văn Tám cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án theo hướng rút gọn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án, trong đó, giám sát tính công khai, minh bạch, tính khả quan của bản án là hết sức quan trọng. Dự thảo luật đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính và các cá nhân có liên quan nhưng còn chung chung.

Ở góc nhìn khác, ĐB Phạm Văn Hà (Đoàn Nghệ An) cho rằng, bất cập nêu trên chỉ là một trong số các điểm cần sửa đổi, bổ sung điển hình. Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính còn cho thấy, nhiều trường hợp phía bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện, thường ủy quyền cho trưởng phòng hoặc chánh văn phòng, phó văn phòng tham dự phiên tòa. Khi đó, những người dự phiên tòa mang tính hình thức, không có đủ thẩm quyền quyết định về những vấn đề mới phát sinh tại tòa án, gây nhiều trở ngại cho tiến độ giải quyết vụ án. Để khắc phục hạn chế này, ĐB Phạm Văn Hà đồng tình với việc chỉ cho phép ủy quyền đến cấp phó. ĐB Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang) phản ánh thêm, tính độc lập của thẩm phán bị chi phối bởi việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm của chính quyền. Thực tế này khiến vị thế, vai trò của thẩm phán cấp huyện yếu đi, khiến người dân không tin tưởng vào tòa án hành chính và tiếp tục khiếu kiện, khiếu nại. Qua theo dõi hoạt động tiếp công dân, ĐB Huỳnh Văn Tính cho biết, các kiến nghị, đề xuất của nhân dân thường liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đây lại là những loại việc khó và phức tạp nên cần giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với các vụ kiện quyết định hành chính, để vừa không gây quá tải về công việc cho TAND cấp tỉnh, vừa tăng tính độc lập của thẩm phán hành chính.

Không khả thi?

Điều đáng lưu ý là đề xuất trên không nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia pháp luật và các cơ quan liên quan. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam phân tích, chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, bảo đảm thẩm phán và tòa án độc lập xét xử. Nếu cho rằng TAND cấp huyện phụ thuộc vào chính quyền địa phương nên không thể khách quan xét xử thì tình trạng tương tự cũng không khả thi ở tòa án cấp tỉnh. Chưa kể, còn dễ dẫn đến hiện tượng tòa án huyện ỷ lại, đẩy việc khó lên trên.

Ý kiến của ông Thân Đức Nam cũng tương đồng với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan này nhận định, đề xuất giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật không đề cao được vai trò, bản lĩnh cũng như không nêu cao được trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện trong giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính.

Dù vậy, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) cùng nhiều ĐB khác vẫn kiên trì quan điểm, luật hiện hành rất khó đi vào cuộc sống và kỳ vọng của người dân là phải sửa đổi. Việc xác định thẩm quyền xét xử là vấn đề mấu chốt cần nghiên cứu, xem xét đầu tiên. Vì người dân đi kiện, đi tìm công lý phải tìm đến nơi phân xử mà họ tin là khách quan. Tại kỳ họp trước, ban soạn thảo đã có hướng sửa đổi tích cực là xác định TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính của các cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên. "Chủ trương này tác động tích cực đến việc xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả, nay lại quay lại quy định cũ vì trái với luật khác. Lập luận trên không sai, nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, không thực sự đứng trên quan điểm phục vụ người dân" - ĐB Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh và đề nghị giữ quan điểm trước đó, đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét giao cho TAND tối cao xử lý sơ thẩm bản án, các vụ án hành chính liên quan đến UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Dẫn chứng về phản ánh một cán bộ từng làm chánh án TAND cấp huyện là thẩm phán hội đồng xét xử một vụ việc người dân thắng kiện UBND huyện và sau đó vị thẩm phán này bị điều đi nơi khác, ĐB Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị phải có chế tài ngăn chặn tình trạng trên. "Tôi đề nghị thẩm quyền của cấp huyện là chỉ xử các vụ án hành chính từ cấp xã, còn cấp huyện thì lên cấp tỉnh xử, còn cấp tỉnh lên TAND tối cao xử để bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân" - ĐB Chu Sơn Hà đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Không đúng với tinh thần Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Trong Luật Tổ chức TAND năm 2014 ban hành năm vừa rồi đã quy định thẩm quyền của tòa án các cấp. Tòa án cấp huyện chủ yếu là xét xử sơ thẩm, tòa án cấp tỉnh xét xử một số ít vụ sơ thẩm, còn chủ yếu là phúc thẩm, tòa án cấp cao là xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, tòa án tối cao không xét xử sơ thẩm. Nay các đại biểu đề nghị các việc hành chính của tòa án cấp tỉnh chuyển cho tòa án tối cao rõ ràng không đúng luật. Vấn đề này cần nghiên cứu kỹ.



(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mấu chốt là thẩm quyền xét xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.