(HNM) - Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp (CT NLN) quan trọng là phải nâng cao được giá trị sản xuất đất nông nghiệp, đất rừng; tổ chức lại sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào phát triển nông, lâm nghiệp một cách bền vững.
Nhiều công ty lỗ lũy kế
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Cà phê Việt Nam Lê Trọng Hiền cho biết: Tổng công ty có 52 đơn vị thành viên, trong đó 33 đơn vị đang quản lý hơn 31.000ha đất sản xuất, với 19.000ha cà phê. Tổng số lao động tại doanh nghiệp là hơn 29.700 người, trong đó có 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số. “Sau một thời gian dài giá cà phê giảm, nhiều doanh nghiệp lỗ, khiến Tổng công ty lỗ lũy kế 340 tỷ đồng chưa thể xử lý" - ông Hiền nói.
Giá cà phê giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này thua lỗ. Ảnh: Lê Phước |
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2015, tổng giá trị tài sản của các CT NLN là 40.517 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế là 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Nhiều công ty lỗ lũy kế 20 tỷ đồng trở lên như: Công ty TNHH một thành viên (MTV) Cà phê Ia Châm (52 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tul (40 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh (33 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang (39 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh (56 tỷ đồng)... Bộ NN&PTNT cho biết, những công ty có lỗ lũy kế vượt quá ¾ vốn chủ sở hữu đều thực hiện giải thể.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ của các CT NLN đến hết tháng 3-2016 khá lớn. Hiện có 96 CT NLN vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ gần 6.455 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 38 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30/NQ-TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các CT NLN, cả nước có 254 CT NLN thuộc diện sắp xếp, trong đó có 120 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp. Đến hết ngày 30-6-2016, Bộ NN&PTNT đã thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới cho 243 công ty; 14 công ty còn lại chưa xây dựng được phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung, nên chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo ông Tuấn, những công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sẽ chuyển sang các loại hình như: Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc... giải thể.
Hết quý II-2017 hoàn thành sắp xếp lại
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác sắp xếp, đổi mới CT NLN vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt liên quan đến đất đai và tài sản trên đất, nhất là đối với diện tích khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định. Theo ông Lê Trọng Hiền, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cà phê Việt Nam: Cách đây vài năm, do cà phê rớt giá nên vốn nhà nước bị hạn chế. Vì vậy, người lao động tham gia đóng góp đầu tư thêm vào trồng cà phê nên có 2 dạng đầu tư là Nhà nước và người lao động. Tuy nhiên, do tài sản người dân đóng góp không có hồ sơ nên khó xác định giá trị vốn nhà nước trong tài sản đầu tư.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Chính phủ đã quyết định hỗ trợ kinh phí trên 1.000 tỷ đồng cho công tác đo đạc, cắm mốc giới đất đai, nhưng đến nay mới bố trí được 450 tỷ đồng nên thiếu kinh phí thực hiện. Việc đo đạc, cắm mốc giới và xử lý tranh chấp, lấn chiếm đất đai theo Quyết định 09/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đối với các đơn vị có diện tích lớn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Thậm chí, theo ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: Một số diện tích đất đai của Tập đoàn còn đang xảy ra tranh chấp giữa các hộ gia đình và cá nhân nên mất nhiều thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, sắp xếp đổi mới của Tập đoàn.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành và địa phương quán triệt quan điểm, chủ trương, mục tiêu sắp xếp, đổi mới CT NLN; việc sắp xếp phải bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là đối với khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, đồng thời gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tái cơ cấu nông nghiệp. Chậm nhất đến hết quý II-2017, công tác sắp xếp, đổi mới CT NLN phải hoàn thành theo phương án tổng thể, đề án đã được phê duyệt. Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan trung ương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các CT NLN ở 5 địa phương chưa hoàn thành phương án tổng thể công tác chuyển đổi là Hà Nội, Cần Thơ, Sơn La, Nghệ An và Thanh Hóa; hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 118/2014-CP của Chính phủ, đồng thời, nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện. Đối với các địa phương, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện phương án về sắp xếp, đổi mới các CT NLN còn thiếu; hoàn thành đo đạc, cắm mốc giới đối với các CT NLN trong năm 2016; triển khai thực hiện các phương án sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty đã được phê duyệt cơ bản hoàn thành trong năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.