Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất tiền tỷ do bị thôi miên: Thực hay hư?

Theo VNN| 22/02/2013 10:38

Vụ mất 1,5 tỷ đồng ở cửa hàng 490 Xã Đàn (Hà Nội) cùng nhiều trường hợp mất tài sản khác được cho là do thôi miên đã làm dư luận xôn xao, lo lắng. Tuy nhiên, không ít người lại nghi ngờ tính chân thật của những câu chuyện thôi miên cướp tài sản này.

Mất tiền tỷ sau cú xõa tóc?

Vụ việc xảy ra tại cửa hàng của chị Vũ Hoàng Điệp (23 tuổi). Theo lời nạn nhân, chiều 18/2, một phụ nữ vào cửa hàng của chị ở 490 Xã Đàn, quận Đống Đa, vờ mua hàng. Thấy cửa hàng chỉ có một mình chị Điệp, đối tượng bất ngờ xoã tóc ra và chị Điệp dần khụy xuống mê man.

Khi tỉnh dậy, chị Điệp phát hiện mất 35.000 euro, 1.900 USD, 48 triệu đồng và 2 điện thoại Iphone, 1 thẻ ATM.

Tổng số tài sản bị mất lên tới hơn 1,5 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào khoảng 10h ngày 3/1/2013, chị Trương Thị Liên Hạnh (40 tuổi, trú tại 333 Điện Biên Phủ, TP Huế) cũng đã bị một phụ nữ lạ mặt lừa lấy số tiền 21.000 USD.

Theo lời của chị Hạnh, sáng 3/1, có một người phụ nữ vào hàng bún chả của chị. Sau hàng khi trò chuyện, người phụ nữ này đập vào tay chị Hạnh, nói làm cho một bát bún.

“Lúc đó tôi múc bún bưng vào cho khách, rồi đi thẳng vào trong phòng ngủ, tự mở tủ, rồi mở két sắt, lấy 2 cái ví. Trong cái ví màu cam có 11.000 USD và trong ví màu đỏ có 10.000 USD. Sau đó, tôi đưa tất cả số tiền này cho người phụ nữ”, chị Hạnh cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, chị Hạnh còn mở tủ lấy số tiền hơn 3 triệu đồng mà chị vừa bán bún trong sáng hôm đó đưa cho người phụ nữ này.

Rất nhiều câu chuyện bị thôi miên cướp tài sản được chia sẻ trên các diễn đàn mạng -
(Ảnh minh họa)


Nhiều câu chuyện về việc bị thôi miên cũng được kể lại. Thành viên Kanyumi chia sẻ trên 1 diễn đàn: “Phòng ngay cạnh nhà mình cũng có vụ tương tự. Phòng này có 2 em là sinh viên học trái buổi nhau nên buổi sáng có mỗi mình nó ở nhà. Sáng đó, em ấy kể là có con bé bán tăm vào, bảo mua rồi xin uống nước rồi nói chuyện. 1 lúc sau, nó bảo là đưa máy tính với điện thoại và tiền cho nó mượn.

Xong nó bảo em ấy là dọn nhà cho sạch đi nhé. Thế là con bé cứ lầm lũi dọn nhà tới khi bạn cùng phòng đi học về gọi hỏi thì mới tỉnh. Hậu quả là em ấy mất cái laptop mới mua gần 18 triệu với cả điện thoại”.

Rất nhiều những câu chuyện tương tự được chia sẻ trên các diễn đàn khiến nhiều người hoang mang. Thậm chí, nhiều chị em phụ nữ còn rỉ tai nhau các “phương pháp” như mang theo nhánh tỏi trong người khi ra đường hay tránh nhìn vào mắt người lạ để không bị thôi miên…

Thôi miên hay màn kịch vụng về?

Bên cạnh những câu chuyện thôi miên khiến người dân hoang mang thì không ít người lại nghi ngờ tính chân thật của các vụ việc trên.

Trên một diễn đàn, thành viên Isalighting tỏ ra ngờ vực về vụ thôi miên ở cửa hàng 490 Xã Đàn: “Thôi miên mà có tác dụng ở giữa ban ngày với không gian đầy tiếng ồn kèm ánh sáng mạnh như vậy chắc thủ phạm là 1 trong những người nắm được kĩ thuật hàng đầu trong lĩnh vực thôi miên quá”.

Một bạn đọc khác cũng đồng tình: “Người ta không bao giờ có thể thôi miên một người nếu người đó không thực sự muốn và đồng ý. Đồng nghĩa với việc tất cả những ám thị, yêu cầu nếu người bị thôi miên không muốn làm họ cũng sẽ không thực hiện, bởi vậy mà chuyện lừa đảo trong thôi miên là điều vô lý”.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng bắt giữ một đối tượng được coi là "phù thủy gây mê" siêu hạng. Đó là Đào Thị Ngừng, ngụ tại Đồng Nai. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2008 đến 7/2009, Đào Thị Ngừng đã liên tục gây ra 6 vụ án nghiêm trọng.

Những người bị hại ban đầu cũng ngờ rằng, người đàn bà ma quái đó đã dụ họ để chiếm đoạt tài sản bằng thủ thuật thôi miên. Nhưng, sau khi Đào Thị Ngừng bị bắt, sự thật được hé lộ. Ngừng đã pha thuốc mê vào trong ly nước để đầu độc nạn nhân chứ không có phương pháp thôi miên “cao tay” nào cả.

Trước đó, câu chuyện thôi miên cướp vàng bịa đặt ở tiệm vàng Kim Mai, quận 6, TP HCM cũng khiến dư luận xôn xao. Theo đó, hai chị em của bà chủ tiệm vàng này đã trình báo trên đường mang 400 lượng vàng đi bán thì bị một nhóm cướp lấy đi toàn bộ số vàng. Cảnh sát vào cuộc và kết luận không có vụ cướp như vậy.

Lúc này, chủ tiệm vàng mới thú nhận, do đứng trước nguy cơ phá sản vì kinh doanh thua lỗ nên bày ra chuyện bị cướp để khất nợ, chiếm dụng vốn của đối tác.

Bà Nguyễn Thị Thúy (chủ tiệm vàng Tín Huy ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng đã bịa chuyện bị thôi miên cướp đi nhiều tiền vàng nhằm che đậy khoản nợ hàng tỷ đồng.

Do nợ nần chồng chất nên Thúy đã nghĩ ra kế nhờ người nhà bịt khẩu trang, đội mũ bảo hiểm làm khách hàng đến mua vàng, rồi dựng chuyện bị thôi miên “biếu không” 100 lượng vàng và hơn một tỷ đồng cho trộm, nhằm trốn nợ.

Ngày 1/12, ông Lê Trung Can (51 tuổi) ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cũng khai báo bị thôi miên cướp vàng và USD với số lượng lớn. Cụ thể, có 2 phụ nữ đã đến gặp ông Can hỏi mua đất.

Sau một hồi hỏi han, 1 trong 2 phụ nữ đã bất ngờ áp sát ông Can và dùng tay vỗ vào vai ông Can.

Ông Can cảm thấy người đờ dẫn, mụ mị, tự động vàng, tiền đưa cho 2 phụ nữ kể trên. Tổng tài sản ông Can báo mất do bị cướp là 4,83 cây vàng và nhiều USD.

Tuy nhiên, vụ án 2 phụ nữ thôi miên, cướp vàng tại nhà ông Can chỉ là một màn kịch. Ông Can thừa nhận, do “nướng” hết tiền vào cờ bạc, ông đã tiêu xài hết toàn bộ số tiền, vàng mà những người thân từ nước ngoài gửi cho ông.

Những ngày cuối năm, nhận được tin những người thân của ông sắp từ nước ngoài trở về Đà Nẵng.

Trong lúc “bí bách”, lại được biết vụ “thôi miên cướp vàng tại Quảng Ngãi” qua đài báo, ông Can cũng tự dựng lên màn kịch mất của do “bị thôi miên” để che dấu việc bản thân đã tiêu pha hết khoản tiền lao động của người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất tiền tỷ do bị thôi miên: Thực hay hư?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.