Thế giới

Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ thương tiếc Giáo hoàng Francis

Hoàng Linh 21/04/2025 - 18:12

Ngày 21-4, lãnh đạo các nước trên thế giới đã bày tỏ sự thương tiếc trước việc Giáo hoàng Francis qua đời cùng ngày tại Vatican (Rome, Italia).

gty-pope-francis6-mem-161130_3x2_1600(1).jpg
Giáo hoàng Francis trong một lần xuất hiện trước công chúng. Ảnh: The Guardian

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gửi một thông điệp chia buồn, nói rằng Giáo Hoàng Francis "đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa Giáo hội Công giáo, với sự khiêm nhường và tình yêu thuần khiết đối với những người kém may mắn hơn".

Bày tỏ sự kính trọng đối với Đức Giáo Hoàng Francis, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Từ Buenos Aires đến Rome, Đức Thánh Cha Francis mong muốn Giáo hội mang lại niềm vui và hy vọng cho những người nghèo nhất, đoàn kết con người với nhau và với thiên nhiên. Cầu mong những ước nguyện này được nuôi dưỡng không ngừng sau sự ra đi của ngài".

Thủ tướng Đức Friedrich Merz bày tỏ: "Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau buồn. Giáo hoàng sẽ được nhớ đến vì cam kết không mệt mỏi của ngài đối với những thành viên yếm thế nhất của xã hội, đối với công lý và sự hòa giải".

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng trên mạng xã hội X, gọi ông là một "con người tốt đẹp, ấm áp và giàu cảm xúc".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, "vô cùng đau đớn" trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis. "Trong giờ phút đau buồn và tưởng nhớ này, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến cộng đồng Công giáo toàn cầu. Đức Thánh Cha Francis sẽ luôn được nhớ đến như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, khiêm nhường và lòng can đảm thiêng liêng của hàng triệu người trên khắp thế giới" - nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới chia sẻ.

Tổng thống Israel Isaac Herzog bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất đối với thế giới Kitô giáo, đồng thời nhấn mạnh Giáo Hoàng Francis là "con người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô biên, là người thấy tầm quan trọng lớn lao trong việc thúc đẩy mối quan hệ bền chặt với thế giới Do Thái và thúc đẩy đối thoại liên tôn".

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, phát biểu trên truyền hình quốc gia, cho biết nước này sẽ treo cờ rủ trên các tòa nhà chính phủ nhằm thể hiện sự kính trọng đối với cố Giáo hoàng. "Đối với người Công giáo Australia, ông là một nhà vô địch tận tụy và là người cha yêu thương", ông Anthony Albanese nêu rõ.

Về phần mình, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon khẳng định Giáo hoàng Francis là "một người khiêm tốn, di sản của ngài bao gồm một cam kết vững chắc đối với những người dễ bị tổn thương, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn".

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng có chia sẻ, trong đó nhận định: Giáo hoàng Francis là "người tiên phong về sự hòa hợp giữa các tôn giáo, hòa bình và thúc đẩy nhân loại". Theo người đứng đầu Chính phủ Pakistan, sự ra đi của Giáo hoàng là "một mất mát không thể thay thế của toàn thế giới".

Tổng thống Lebanon Joseph Aoun cho biết: "Sự ra đi của Giáo hoàng Francis là mất mát của toàn nhân loại, vì ngài là một tiếng nói mạnh mẽ cho công lý và hòa bình, một nhà vô địch của những người nghèo và người bị thiệt thòi, và là người ủng hộ đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa khác nhau".

Tổng thống Malta Myriam Spiteri Debono nói rằng, Giáo hoàng Francis "sẽ được nhớ đến vì sự khiêm nhường, sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cũng như những đóng góp không ngừng nghỉ vì hòa bình quốc tế và hòa giải giữa các dân tộc".

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, người đã gặp Giáo hoàng Francis chỉ vài giờ trước khi nhà lãnh đạo tinh thần của hàng tỷ người trên thế giới ra đi, đã chia buồn với cộng đồng Công giáo toàn cầu. Phó Tổng thống Mỹ cho biết, "sẽ luôn tưởng nhớ tới Giáo hoàng vì những lời lẽ tốt đẹp của ngài trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19".

Theo CNN, Vatican News

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ thương tiếc Giáo hoàng Francis

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.