Giới khoa học tuyên bố đã phát triển ra loại mật mã hệ thống an ninh không thể bẻ khóa đầu tiên trên thế giới, thậm chí có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa từ máy tính lượng tử.
Đài Sputnik đưa tin trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Nature Communication ngày 20-12, nhóm nhà khoa học tại Đại học St Andrews (Scotland) cùng các đồng nghiệp quốc tế đã giải mã được “bí mật hoàn hảo” trong công nghệ mới của họ.
Họ đã phát triển một con chip silicon nguyên mẫu sử dụng các quy luật tự nhiên, bao gồm lý thuyết hỗn loạn và định luật thứ hai của nhiệt động lực học. Các mật mã được tạo ra bởi con chip này không bao giờ được lưu trữ cũng như không thể can thiệp qua tin nhắn. Thông tin kỹ thuật số ban đầu được lưu dưới dạng ánh sáng, sau đó truyền qua con chip silicon được thiết kế đặc biệt chứa các cấu trúc phức tạp bẻ cong và khúc xạ ánh sáng, làm xáo trộn thông tin.
Giáo sư Andrea di Falco tại Trường Vật lý và Thiên văn học thuộc Đại học St Andrews cho biết: “Công nghệ này tương tự như việc nói chuyện với ai đó bằng hai chiếc cốc giấy nối dây. Nếu bạn lắc cốc khi nói, âm thanh sẽ bị che lấp, song mỗi lần cốc sẽ bị rung lắc theo một cách khác biệt vì vậy mật mã này không thể bị tấn công”.
Do đó, theo nhóm nghiên cứu, những phương pháp bẻ khóa mã hóa truyền thống sẽ bất lực trước dạng mật mã mới vì chúng không có phần mềm hay mật mã để thao tác.
Hơn thế, công nghệ mật mã mới này cũng được ca ngợi là có khả năng ngăn chặn mối đe dọa của máy tính lượng tử, đồng thời có thể sử dụng trong các hệ thống liên lạc sẵn có. Mặc dù, các máy tính lượng tử thực sự vẫn là vấn đề của tương lai, giới chuyên gia an ninh đã lên tiếng cảnh báo về việc các nhóm khủng bố mạng có thể đã lưu trữ thông tin để tấn công ngay khi máy tính lượng tử đi vào hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.