Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất bò mới lo làm chuồng!

Tuệ Diễm| 02/10/2015 07:05

(HNM) - Theo thống kê, mỗi năm TP Hồ Chí Minh có gần 10.000 ca phẫu thuật chỉnh sửa ngực và trên 15.000 ca nâng mũi. Phẫu thuật thẩm mỹ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho bác sĩ và cả người kinh doanh cơ sở thẩm mỹ. Trước sức hút này, nhiều trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ đang được gấp rút xây dựng...

Một bệnh viện thẩm mỹ đang xây dựng tại TP Hồ Chí Minh.


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tới thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 7 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép, gồm: Sài Gòn, Thanh Vân, Hiệp Lợi, Á Âu, Ngọc Phú, Việt Mỹ, Emcas. Đó là chưa kể các bệnh viện đa khoa ngoài công lập cũng có khoa hoặc cơ sở thẩm mỹ viện và 80 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ khác. Vẫn chưa dừng lại, trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng của người dân, nhiều trung tâm thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh hiện cũng đang nhanh chóng xây dựng để nâng cấp lên bệnh viện thẩm mỹ như thẩm mỹ viện Kangnam đang xây mới một bệnh viện thẩm mỹ tại Phường 9, Quận 3; thẩm mỹ viện Kim Hospital cũng đang nâng cấp, xây dựng thành bệnh viện chuyên ngành tại Quận 1.

Một trong những điều kiện tiên quyết để có thể lập bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ là bác sĩ điều trị phải được đào tạo chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng hiện nay, toàn quốc chỉ có 3 trường đại học đào tạo bác sĩ chuyên khoa nói trên. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 2 đơn vị là Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và phía Bắc có Đại học Y Hà Nội. Hiện mỗi năm, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh có 30-40 sinh viên tốt nghiệp và đến nay đã có 7 khóa ra trường, với khoảng 200 bác sĩ tốt nghiệp.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Bác sĩ tạo hình thẩm mỹ theo nhu cầu chung thì cũng chưa đủ. Trước hấp dẫn thu nhập lớn gấp 5-7 lần bác sĩ điều trị, một số trường hợp không qua đào tạo chính quy đã hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Đa số các trường hợp gây ra biến chứng trong thời gian gần đây là những người không qua trường lớp đào tạo. Trong đó, có cả người thợ làm móng tay, cắt tóc dạo cũng tự bơm silicon và điều này rất nguy hiểm".

Theo quy định cấp phép hoạt động bệnh viện thẩm mỹ, số lượng nhân viên hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số nhân viên hành nghề trong khoa. Khi lượng bác sĩ thẩm mỹ trong nước được đào tạo chính quy chưa kịp đáp ứng, các đơn vị kinh doanh tìm cách đưa bác sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam hoạt động "mổ dạo". Các cơ sở đặt hẹn bác sĩ thực hiện ca mổ kéo dài 1-2 ngày tại Việt Nam rồi lại quay về nước là một thực tế có thật. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra toàn bộ bệnh viện và trung tâm thẩm mỹ vào cuối năm 2013, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ phát hiện 40% cơ sở kinh doanh thẩm mỹ với lỗi vi phạm chủ yếu về quảng cáo sai sự thật. Tình trạng bác sĩ ghi danh ở nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Hàn Quốc hoạt động "nhảy dù" tại Việt Nam chưa được phát hiện.

Một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ Hàn Quốc được đào tạo chính quy thì họ không đi "mổ dạo", chỉ có người hành nghề không phép mới sang Việt Nam. Đáng tiếc là tình trạng này đang diễn ra ngày càng nhiều mà chưa được quản lý nghiêm, dẫn tới nhiều điều khó lường. Do đó, trong thời gian sớm nhất cần phải có giải pháp để siết chặt hơn hoạt động ngành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, để không rơi vào cảnh "mất bò mới lo làm chuồng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mất bò mới lo làm chuồng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.