Công an thành phố Hà Nội đã liên tục cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo núp bóng ứng dụng đầu tư tài chính online, tuy nhiên vẫn còn nhiều nạn nhân bị mắc bẫy.
Đầu tháng 2-2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn của anh T (ở Hà Nội) trình báo việc anh tham gia ứng dụng đầu tư vàng SoonTransfer5, bị chiếm đoạt 4,2 tỷ đồng. Anh T cho biết, có nhận được điện thoại của đối tượng xưng là nhân viên của Công ty chứng khoán VPS và muốn anh vào nhóm để học hỏi và hỗ trợ thông tin về chứng khoán.
Anh T đã tham gia nhóm Zalo và được một vài “người thầy” cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán, định hướng anh tham gia thị trường vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao hơn. Anh tải ứng dụng SoonTransfer5 để tham gia đầu tư.
Trong 2 ngày 1 và 2-2, anh T chuyển 1,2 tỷ đồng đầu tư và rút ra được 600 triệu lợi nhuận trong 7 lần rút. Đến lần thứ 8, anh T không rút được. Lúc này các đối tượng thông báo anh T cần “nâng cấp gói VIP 3 tháng”, “hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư”, “gỡ bỏ chế độ an toàn”… Anh T đã chuyển cho các đối tượng 3,6 tỷ đồng nhưng không rút được ra. Lúc này, anh mới nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, cân nhắc kỹ khi tham gia các nhóm đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội.
Người dân không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.