Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang xuân sớm ra Trường Sa

Nguyễn Đức| 11/01/2010 08:10

(HNM) - Chiều 10-1, tại cầu cảng Vùng D Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa), 3 chiếc tàu vận tải chở theo hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm lần lượt rời bến để đến với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ canh giữ hải phận của Tổ quốc ở Trường Sa thân yêu.


Vẫn là những quyến luyến, bịn rịn khi chia tay, nhưng nồng nàn tình thương đất liền gửi đảo. Chỉ vài ngày nữa thôi, những món hàng Tết sẽ đến với những đảo đầu tiên trong suốt hành trình vài tuần lênh đênh trên biển.

Các chiến sỹ vận chuyển lương thực, thực phẩm lên tàu.


Không khí tại vùng D Hải quân những ngày này thật nhộn nhịp, tấp nập. Các chuyến xe chở hàng Tết ra vào cầu cảng liên tục, vui như Tết. Có thể cảm nhận thấy cái Tết "xôm tụ" khắp mọi nơi qua hương gạo nếp quê, màu lá dong xanh mát, những chú lợn béo tròn... Gần giữa trưa 9-1, nắng, nóng rát, nhưng chỉ còn 1 ngày nữa là tàu rời bến, nên Đại úy Đặng Văn Tuấn, Phó Đại đội trưởng Đại đội 12, Phòng Hậu cần, Lữ đoàn 146 cùng nhóm chiến sỹ dường như không biết mệt, nhanh nhẹn đưa đàn "con cháu họ Trư" lên tàu. Chuyển lợn ra Trường Sa là công việc không hề đơn giản. Đại úy Tuấn cho biết, chỉ những chú ỉn mạnh khỏe mới được ra đảo và chúng sẽ được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt suốt hành trình. Được biết, tại những đảo nhỏ, đảo chìm không có điều kiện tăng gia cải thiện đời sống, những chú ỉn còn ngoe nguẩy đuôi thực sự là một món quà Tết vô cùng ý nghĩa. Chính vì vậy, dù gần giữa trưa và rất khẩn trương, nhưng các chiến sỹ đều cố gắng để bảo đảm an toàn tối đa cho lợn. Thượng úy Trương Cao Khánh, Tàu phó tàu Trường Sa 20 cũng thường xuyên theo sát, chỉ đạo, hỗ trợ đưa hàng lên tàu. Đáng lý, Khánh trực tiếp vận chuyển chuyến hàng lần này tới Trường Sa, nhưng chỉ vài ngày tới là "bà xã" sinh con đầu lòng nên anh xin nghỉ phép. Dẫu vậy, mấy ngày qua, anh liên tục có mặt trên tàu cùng đồng đội xếp hàng để bảo đảm chất lượng. Với anh đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm đặc biệt dành cho đồng đội đang canh giữ biển xa. Thiếu tá Đặng Huy Toàn, Trợ lý Dân vận Đoàn Trường Sa cho biết, Tết Trường Sa sẽ không kém Tết ở đất liền. Việc sắm Tết cho các chiến sỹ, đồng bào ở đảo đã được chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Được biết, ngoài chế độ theo quy định, Bộ Quốc phòng còn tặng mỗi chiến sỹ một món quà trị giá 50 nghìn đồng, mỗi hộ dân trên đảo một món quà Tết trị giá 100 nghìn đồng. Không chỉ có vậy, những ngày gần đây, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể trên khắp mọi miền đất nước cũng liên tiếp đem quà tới Lữ đoàn 146 nhờ gửi tới các chiến sỹ Trường Sa.

Trong chuyến ra đảo lần này, ngoài hàng hóa đón Tết còn có các sỹ quan, chiến sỹ mới ra đảo thay cho những đồng đội đã kết thúc nhiệm kỳ công tác. Đã 44 tuổi, nhưng đây mới là lần đầu Thiếu tá không quân Lê Văn Bính, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận nhiệm vụ tại Trường Sa, nên anh cũng tỏ ra khá hồi hộp, háo hức. Đại úy Trần Văn Dũng, Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146 đã từng 2 lần ra công tác tại đảo cũng cho biết, dù đã dày dạn kinh nghiệm, nhưng mỗi lần nhận nhiệm vụ đều có một cảm xúc thật đặc biệt. Nếu như các sỹ quan tỏ ra bình thản, thì các chiến sỹ trẻ, tuổi mới 18-20 lại rất háo hức, mừng ra mặt, mong chờ từng ngày ra đảo, đón Tết ở đảo.

Những cành mai cũng được chuẩn bị đưa ra đảo.


Sau khi ra chợ mua sắm đủ một số đồ dùng cá nhân, Binh nhất Đào Văn Mến, Đại đội 3, Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146 (người Quảng Ninh) cùng 3 đồng đội khác dành thời gian vào cánh rừng gần doanh trại tìm những cành mai đẹp nhất đem ra đảo làm quà đón Tết. Mến cho biết, từ lâu, anh đã mong ước sẽ được ra Trường Sa để giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Vậy đó, Tết Trường Sa không chỉ đủ những món ngon truyền thống mà còn có cả những thú chơi tao nhã. Ngay cả những người lính trẻ cũng luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trên đường về nhà khách, chúng tôi thấy nhiều tốp lính vẫn đang mải miết tìm những cành mai đẹp ở cánh rừng gần đường. Theo Thượng úy Phan Thế Phương, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 862, không chỉ Mến mà hầu hết chiến sỹ trẻ đều có nguyện vọng ra Trường Sa sau khi kết thúc khóa huấn luyện chuyên môn. Đúng như lời anh nói, bởi hôm vừa đến, một số lính trẻ nhập ngũ cùng đợt với Mến nhưng đang công tác tại nhà khách Vùng D Hải quân, nơi chúng tôi tá túc chờ ngày rời bến, cũng đã nhờ mấy anh nhà báo xin giúp "cho chúng em ra Trường Sa làm nhiệm vụ".

Từng hồi còi tàu dài cất lên chào đất liền. Con tàu rẽ sóng, thẳng tiến ra khơi. Trên boong tàu Trường Sa 20, tôi nhận ra anh Bính, anh Dũng và Mến. Như vậy, tôi sẽ được tiễn họ tới tận hòn đảo họ đóng quân. Và trên hành trình dài nhiều ngày đêm, tôi sẽ có cơ hội cùng họ tâm sự về chuyện đón Tết ở đảo, về đất nước, về con người, về truyền thống nghìn năm dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang xuân sớm ra Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.