Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống

Châu Anh| 16/03/2015 16:14

(HNMO) - Sự ra đời và phát triển của mạng xã hội (Social Network) đã đem lại nhiều tích cực cho đời sống con người, song bên cạnh đó cũng có không ít hệ lụy. Trong đó có thực tế đây cũng là nơi phát tán những thông tin mạo danh từ đó gây nhiễu thông tin.


Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn


- Hiện nay có một thực tế là tình trạng mạo danh chính khách trên mạng xã hội đang diễn ra phổ biến, Thứ trưởng có thể cho biết ý kiến về thực trạng này?

- Hầu hết các mạng xã hội hiện nay chưa có cơ chế cho phép xác thực danh tính của người sử dụng nên người dùng có thể tự lựa chọn cho mình tên tài khoản để sử dụng. Vì vậy, việc mạo danh có thể thực hiện một cách dễ dàng và thực tế không ít trang blog và Facebook cá nhân mạo danh một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi xin khẳng định các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước không có blog và Facebook cá nhân, những trang blog và Facbook mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều là mạo danh. Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh, mạng xã hội là nơi giao tiếp, trao đổi thông tin giữa những người sử dụng, rất nhiều thông tin đưa lên đó không phải là thông tin chính thống của Nhà nước hay các đồng chí lãnh đạo. Do vậy việc mạo danh của một cá nhân nào đó phát ngôn trên mạng xã hội không liên quan gì đến phát ngôn của nhà nước. Và bất kỳ phát ngôn của một cá nhân nào đó thì cá nhân đó tự chịu trách nhiệm trước luật pháp Việt Nam.

- Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực truyền thông, vậy Bộ Thông tin và Truyền thông có khuyến cáo gì với người dùng mạng xã hội?

- Mạng xã hội đã tồn tại và phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới và được xem là một phương tiện để kết nối bạn bè,chia sẻ thông tin. Do vậy tự cá nhân mỗi người phải chắt lọc thông tin cho mình vì đó không phải là kênh thông tin chính thống. Một trong những mục tiêu của mạng xã hội là nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội. Bản thân mỗi người phải tìm đến những nguồn thông tin chính thống hoặc đi tìm hiểu kỹ hơn về mức độ chính xác thông tin mà mình tiếp nhận. Vì thế tất cả những người dùng mạng xã hội đều phải lưu ý đến vấn đề bí mật đời tư và xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác. Mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra. Việc mạo danh các cá nhân, tổ chức, nhất là mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phục vụ các ý đồ xấu là hết sức nguy hiểm. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cũng phải đề cao cảnh giác như cảnh giác đối với những kẻ mạo danh trong xã hội mà chúng ta vẫn thường bắt gặp.

- Nhưng với người dân, làm cách nào để phân biệt được đâu là trang mạng xã hội giả, đâu là trang chính thức của các chính khách?

- Đã là mạng xã hội ha còn gọi là mạng xã hội ảo và vì tính chất đặc thù của nó như vậy thì không nên đặt vấn đề thật giả mà nên đặt vấn đề từ góc độ đúng hoặc trái pháp luật! Để phân biệt đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin không chính thống, đâu là trang giả mạo, theo tôi, cách đơn giản nhất là người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin được phát ngôn từ người phát ngôn được chỉ định của cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan, tổ chức đó, là thông tin chính thống. Còn lại, chỉ nên coi mạng xã hội là một trong những cách mà xã hội lan truyền, chia sẻ thông tin, thông tin đó chỉ có tính chất tham khảo; và người lan truyền thông tin sai sự thực sẽ bị xử lý theo pháp luật.

- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công khai trang mạng xã hội của mình và nhận được nhiều sự ủng hộ. Với những trường hợp như Bộ trưởng Tiến, Bộ có biện pháp kỹ thuật nào để bảo vệ các trang mạng xã hội của chính khách hay không?

- Việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai trang mạng xã hội của mình có ý nghĩa cầu thị, nhưng như tôi đã nói ở trên, tất cả các phát ngôn chính thức đều phải thực hiện theo Quy chế phát ngôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg. Với tư cách là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, chúng tôi tôn trọng tất cả mọi ý kiến cá nhân.

- Hiện nay nhiều chính khách nhà nước sử dụng mạng xã hội là kênh giao tiếp với người dân. Theo Thứ trưởng, các chính khách nhà nước nên sử dụng mạng xã hội như thế nào?

- Việc đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội sẽ giúp thông tin này được phổ biến nhanh hơn tới người sử dụng. Các cơ quan nhà nước nên sử dụng và tận dụng thế mạnh này của các mạng xã hội. Các đồng chí lãnh đạo có thể sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân gắn liền với trang thông tin điện tử của đơn vị chủ quản để đăng tải thông tin chính thống và trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân. Đồng thời, vẫn có thể xem xét, tận dụng ưu thế của các mạng xã hội trong nước và nước ngoài bằng việc đưa các liên kết tới trang chính thống trên mạng xã hội này để đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội, nhưng chỉ xem đó như là một công cụ cụ thể để truyền thông, tránh việc phụ thuộc vào một mạng xã hội cụ thể nào đó.

Còn từ góc độ cá nhân của các đồng chí lãnh đạo thì việc sử dụng mạng xã hội cũng như là một phương tiện để giao tiếp cá nhân, giao tiếp với bạn bè, chia sẻ cảm xúc của mình mà thôi.

- Thứ trưởng có dùng mạng xã hội không? Theo Thứ trưởng, việc dùng mạng xã hội mang lại những lợi ích gì?

- Đứng về phương diện cá nhân tôi rất “mê” mạng xã hội, tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội và cũng có tài khoản Facebook riêng của mình. Đó là kênh giao tiếp với bạn bè của tôi. Việc sử dụng mạng xã hội giúp cho tôi giữ được mối quan hệ với bạn bè và người thân của mình. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.