(HNMO) – Vừa qua, chương trình “Đêm vô thức bản địa” trình diễn buổi duy nhất tại Hà Nội mở rộng thêm cánh cửa đưa văn hóa bản địa của Việt Nam ra thế giới.
Hơn hết, chương trình mở rộng thêm cánh cửa đưa văn hóa bản địa của Việt Nam ra thế giới, điều mà nhiều nghệ sĩ, đơn vị tổ chức của Việt Nam đang chung tay thực hiện.
Chương trình biểu diễn "Đêm vô thức bản địa" với sự tham gia của 50 nghệ nhân các dân tộc Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. |
Không chỉ là “vô thức”
Để có đêm nhạc “Đêm vô thức bản địa” hấp dẫn, quy tụ hơn 50 nghệ nhân trong dàn nhạc Seaphony (Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam), ekip thực hiện đã dày công nhiều năm để tập hợp các nghệ nhân, già làng. Trao đổi với HNMO, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, người lên ý tưởng và thực hiện dự án cho biết, việc thành lập Dàn nhạc dân tộc bản địa nằm trong dự án S.E.A Sound, được lên ý tưởng từ 10 năm trước.
“Âm nhạc dân tộc Việt Nam rất đặc trưng khi nhiều nhạc cụ truyền thống làm từ tre, nứa, đồng. Từ những chất liệu ấy, mỗi dân tộc lại có nhạc cụ khác nhau, thanh âm khác nhau. Sự kết hợp những thanh âm ấy sẽ là bản tổng hòa tuyệt vời của âm nhạc dân tộc. Cái khó là làm thế nào thuyết phục được những nghệ nhân tại các địa phương tham gia”, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý chia sẻ.
Để vượt qua khó khăn ấy, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cùng ekip đã lăn lộn nhiều tháng tại nhiều tỉnh, thành để thuyết phục và hướng dẫn các nghệ nhân tham gia. Đó là hành trình từ Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, đến với buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông, Lào, M’nông, Ê-đê, Jarai…
“Nhiều già làng chỉ quen chơi đàn cho con cháu, cả đời sống tại buôn làng, giờ nghe đến việc phải rời xa làng quê lên sân khấu biểu diễn thì e ngại. Nhiều phụ nữ miền cao như chị Lò Thị Chăn dù muốn đi xa khỏi mảnh đất mình sống để được chơi đàn lại lo lắng việc nhà, gia đình không cho phép. Chúng tôi dành nhiều tháng để sinh hoạt, thuyết phục và hướng dẫn các nghệ nhân”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ về hành trình tìm kiếm nghệ nhân.
Hiện nay, người cao tuổi nhất của Dàn nhạc dân tộc bản địa là cụ Lò Văn Lá (78 tuổi) dân tộc Thái, biểu diễn khèn lá. Với mong muốn bảo tồn khèn là, cụ nói rằng: “Tôi muốn giới thiệu với mọi người là đến lá cây cũng có thể chơi nhạc. Đến giờ, dân tộc tôi cũng không còn nhiều người biểu diễn được nhạc cụ này nữa”.
Hay như những nữ nghệ nhân đến từ các tỉnh miền núi Tây Bắc như Lò Thị Chăn, Y Sinh, Hà Mai Ven, Lèo Thị É… muốn tham gia dàn nhạc vì “phụ nữ dân tộc không chỉ biết thêu thùa, may vá, làm nương rẫy mà còn có thể trở thành nghệ sĩ biểu diễn.
Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam hình thành trong sự cố gắng của những người lên ý tưởng và các nghệ nhân dân tộc. Điều hấp dẫn của dàn nhạc là chính sự đa dạng về dân tộc, tuổi tác, nhạc cụ cùng phong thái biểu diễn hồn nhiên của các nghệ nhân đã tạo nên bản sắc riêng mà ngay cả dàn nhạc dân tộc chuyên nghiệp cũng không có được.
Từ tháng 3 đến nay, Dàn nhạc Dân tộc bản địa đã có 4 buổi diễn: “Đêm vô thức Tây Bắc” (ngày 31-3), “Đêm vô thức Tây Nguyên” (ngày 30-6) và “Đêm vô thức Chăm” (ngày 30-9) và “Đêm vô thức bản địa” (ngày 12-12). Những người thực hiện còn tham vọng, đưa dàn nhạc “xuất ngoại”, trước mắt sẽ biểu diễn ở các quốc gia trong khu vực ASEAN vào năm 2018, sau đó sẽ hướng đến việc biểu diễn ra thế giới.
Dấu ấn bản địa
Niềm tự hào về văn hóa dân tộc Việt không phải bây giờ mới được các nghệ sĩ, những nhà tổ chức hướng tới mà từ lâu những trăn trở về việc thực hiện những sản phẩm văn hóa mang hồn cốt dân tộc có thể chinh phục trên sân khấu quốc tế và khán giả nước nhà đã được nhiều đơn vị tổ chức, nghệ sĩ thực hiện.
Chương trình xiếc "Làng tôi" góp thêm tiếng nói đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. |
Việt Nam đã có xiếc “Làng tôi” với tiết mục được dàn dựng dựa trên đạo cụ là cây tre Việt Nam đã tạo được tiếng vang nhất định trên thế giới với nhiều buổi diễn “đắt khách”. Trước đó, những dự án âm nhạc mang tính dân tộc được sáng tạo trên nền nhạc điện tử cũng phần nào đưa dấu ấn âm nhạc bản địa Việt Nam vươn ra thế giới.
Năm 2005, dự án world music “Đường xa vạn dặm” của nhạc sĩ Quốc Trung đã mở ra xu hướng mới cho âm nhạc dân tộc Việt Nam khi kết hợp âm nhạc điện tử phương Tây với chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống như chèo, xẩm, quan họ, hò Huế, ca trù. “Đường xa vạn dặm” đã “chu du” nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trong những chương trình gây tiếng vang ở trong nước và quốc tế.
Cùng với xu hướng âm nhạc điện tử kết hợp nhạc dân tộc, năm 2006, nhạc sĩ Đỗ Bảo cùng nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý thực hiện dự án “Gió bình minh” với việc kết hợp trình diễn các nhạc cụ dân tộc Việt Nam và được "mix" trên nền nhạc điện tử. “Gió bình minh” có nhiều buổi xuất ngoại thành công, góp phần giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới.
Những loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng được thể hiện theo thể thức mới phần nào giúp cho âm sắc văn hóa Việt Nam được khoác tấm áo mới, vẫn mang hồn cốt dân tộc nhưng lại có sức hấp dẫn riêng. Không những vậy, con đường mang văn hóa Việt ra thế giới cũng là cách để người Việt thêm yêu giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.
Theo chia sẻ của đơn vị sản xuất chương trình “Xiếc Làng tôi” và “Đêm vô thức bản địa”, các dự án văn hóa truyền thống Việt Nam sau khi gây tiếng vang trên thế giới, khi quay về Việt Nam sẽ hấp dẫn ngược trở lại với khán giả Việt.
Con đường đi này tuy khó khăn, đòi hỏi những người thực hiện phải có tiềm lực kinh tế, có “tâm” với văn hóa truyền thống nhưng đó là hướng đi để văn hóa truyền thống Việt có sức sống bền vững, đủ sức hấp dẫn khán giả trong xã hội hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.