(HNM) - Các bộ, ngành, địa phương đang tăng tốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, đích đến là mang lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo yêu cầu đặt ra của Đề án 06, từ nay đến hết tháng 5-2022, các bộ, ngành liên quan và địa phương phải tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính. Từ đó, bảo đảm kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo nguyên tắc: “Khai báo một lần, cắt giảm giấy tờ công dân trong thực hiện thủ tục hành chính”.
Triển khai nhiệm vụ trên, các bộ, cơ quan đang thống nhất quy trình nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì hướng dẫn tái cấu trúc quy trình 3 dịch vụ công liên quan chặt chẽ đến đời sống người dân, gồm: Đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử, hoàn thành trong tháng 3-2022. Về phía các địa phương nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế thông tin phải nhập đối với những dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu đối với 3 dịch vụ công: Đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn.
Số liệu công bố ngày 21-3-2022 cho thấy, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, hiện đã hoàn thành 6/11 dịch vụ công mức độ 4 của Bộ Công an; 2 dịch vụ mức độ 4 của Tập đoàn Điện lực; đồng thời đã tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công đối với một số dịch vụ công thiết yếu. Nhiều dịch vụ có số lượng hồ sơ cao thực hiện từ đầu năm 2022 đến nay như: Cấp mới từ lưới điện hạ áp 173.608 hồ sơ; đăng ký thuế lần đầu 54.480 hồ sơ; đăng ký thường trú 6.437 hồ sơ; giải quyết trợ cấp thất nghiệp 2.872 hồ sơ; liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế 6.979 hồ sơ…
Nhờ đó, lợi ích cho các tổ chức, cá nhân có thể đo đếm được với 173.608 người dân không phải đến nơi tiếp nhận đề nghị cấp điện áp; 265.405 công dân, cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám, chữa bệnh không cần đến cơ quan công an để thực hiện thông báo lưu trú; 5.289 cá nhân, cơ quan, tổ chức được giải quyết đăng ký tạm trú ngay trên hệ thống, cập nhật.
Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số, đã ban hành kế hoạch về cấp thẻ căn cước công dân và định danh điện tử trên toàn quốc. Trong số 63 địa phương trên toàn quốc, Công an thành phố Hà Nội thu nhận nhiều dữ liệu nhất với 5.270 hồ sơ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện chưa có quy định sử dụng mã định danh cá nhân thống nhất trong mọi hoạt động khám, chữa bệnh. Để rút gọn thủ tục hành chính cho bệnh nhân, tránh phải cùng lúc cầm nhiều giấy tờ khi đến viện, Bộ Y tế kiến nghị xây dựng nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và quy định kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Còn đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tích hợp chia sẻ thông tin giải quyết vấn đề trợ cấp thất nghiệp còn khó khăn, phải kết nối phần mềm chi trả với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai quyết liệt để có dữ liệu trong tháng 5.
Tại Hà Nội, khâu đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông - Vận tải cấp đã được Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 11-3-2022, đã tiếp nhận và giải quyết được 33 hồ sơ. Tuy nhiên, chưa có cơ chế xác thực dữ liệu công dân giữa số căn cước công dân và số chứng minh nhân dân 9 số cũ, gây khó khăn cho việc tạo tài khoản cũng như nộp hồ sơ.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, đơn vị sẽ mở kênh giải đáp trực tuyến trên trang http://thutuchanhchinh.vn để các bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, tháo gỡ, triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.