Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạng di động ảo: “Lách” qua khe cửa hẹp

Việt Nga| 03/07/2010 05:27

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp phép hoạt động cho mạng di động ảo thứ hai và là nhà mạng thứ 9 tại thị trường Việt Nam. Tuy không phải đầu tư xây dựng hạ tầng như 7 mạng di động đã và đang hoạt động, nhưng ra đời trong bối cảnh thị trường đang tới ngưỡng bão hòa nên các nhà mạng ảo sẽ không dễ gì trong hoạt động…

Các nhà mạng lớn đã chiếm giữ hơn 90% thị phần, liệu còn “đất” cho mạng ảo?  Ảnh: Thanh Hải


Mạng ảo liệu có thành hiện thực?
Nhà mạng ảo được cấp phép đầu tiên tại thị trường Việt Nam là Công ty Viễn thông Đông Dương. Theo cam kết tại thời điểm nhận giấy phép vào tháng 8-2009, doanh nghiệp (DN) này cho biết, trong quý I-2010 sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên cơ sở hợp tác mạng lưới với Viettel. Tuy nhiên, đã hết quý II vẫn thấy Đông Dương "im hơi lặng tiếng"?!

Xung quanh câu chuyện của Đông Dương, có không ít thắc mắc được đặt ra, đó là Đông Dương có ưu thế nổi bật vì DN này được chia sẻ hạ tầng với nhà mạng có vùng phủ rộng, lớn nhất Việt Nam, nhưng tại sao vẫn chưa hoạt động? Và khi dư luận chưa có câu trả lời về thời điểm Đông Dương khai trương mạng, thông tin Bộ cấp giấy phép mạng di động ảo thứ hai chính thức công bố. Ngày 22-6, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) nhập cuộc. Đơn vị này cho biết sẽ khai trương dịch vụ vào cuối năm 2010 trên toàn quốc dựa trên hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom. Do mạng 2G (băng tần CDMA 450 Mhz) của EVN Telecom có hạn chế từ thiết bị đầu cuối, chất lượng thoại sẽ gây khó khăn cho việc phát triển khách hàng, nên VTC sẽ roaming với các mạng GSM 2G khác để mở rộng vùng phủ ở những nơi mà mạng 3G của EVN chưa vươn tới…

Song, cũng từ những thông tin VTC công bố cho thấy, trong số các DN nhận giấy phép triển khai 3G thì EVN Telecom có hạn chế hơn, đó là có vùng phủ 3G hẹp. Cụ thể, giai đoạn 1, EVN chỉ tập trung cung cấp dịch vụ thật tốt ở 5 thành phố lớn, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ (EVN Telecom đang đầu tư 5000 BTS 3G giai đoạn 2). Như vậy, đây là thách thức không nhỏ với VTC khi mà dựa trên vùng phủ này để triển khai dịch vụ trên cả nước như công bố? Thêm vào đó, việc hợp tác chia sẻ hạ tầng với các mạng GSM 2G khác, nhất là các mạng lớn trong nước cũng khó có thể nói là suôn sẻ khi mà giữa các DN đó đang cạnh tranh quyết liệt, đang phải đối mặt với các vấn đề như chỉ số doanh thu bình quân/thuê bao thấp, lợi nhuận giảm… Hơn nữa, VTC cung cấp dựa trên mạng 3G của EVN, nghĩa là khi sử dụng mạng VTC, khách hàng phải có máy 3G và sẽ bộc lộ những khó khăn khi giá loại thiết bị đầu cuối này không rẻ (khoảng 5 triệu đồng/máy)… Những thách thức này, liệu có giúp VTC vượt qua để cung cấp dịch vụ như kế hoạch!?

Khả năng chỉ còn thị trường "ngách"

Thị trường di động trong nước đang đến ngưỡng bão hòa. Do vậy, vấn đề phát triển thuê bao mới rất khó khăn, ngay cả với 3 mạng có dung lượng thuê bao lớn: Viettel, Vinaphone, Mobifone, năm 2010 phát triển thuê bao mới của họ cũng giảm đi hơn một nửa. Như vậy, với những DN mới nhập cuộc, trong đó có cả mạng ảo, thu hút thuê bao mới cũng không nằm ngoài vùng khó khăn này. Từ năm 2008, cả 3 "đại gia" di động kể trên đều đưa ra một loạt gói cước hướng về những người có thu nhập thấp, được coi là những khách hàng còn lại của thị trường nhằm "hút" nốt thuê bao. Mạng lớn có quá nhiều ưu thế trong cạnh tranh, vậy có còn "đất" cho mạng ảo Đông Dương và VTC?

Từ kinh nghiệm phát triển mạng di động ở nhiều nước trên thế giới, các mạng ảo nhập cuộc sau chỉ còn cách nhắm vào các thị trường “ngách” với quy mô nhỏ chỉ vài trăm nghìn thuê bao. Khi đó, ngoài tính toán đầu tư để vận hành mạng di động cho hệ thống mạng lõi và hệ thống chăm sóc khách hàng, các mạng ảo phải có ưu điểm nổi bật trong việc đưa ra các dịch vụ nội dung cho khách hàng. Cụ thể, thay vì hướng tới số đông để thu hút thuê bao, các mạng ảo chỉ nên hướng chiến lược đến một nhóm đối tượng, có thể là những người yêu thích một môn thể thao nào đó, chẳng hạn như đối tượng "yêu văn nghệ, thích thể thao" hoặc chơi golf. Để phục vụ nhóm thuê bao này, ngoài phần chất lượng thoại, phần quan trọng mà nhà mạng phải quan tâm đầu tư nhiều là các thông tin liên quan đến golf trong và ngoài nước và các loại hình văn nghệ khác để nhóm khách hàng này cảm thấy khi cần là có. Như vậy, đòi hỏi nhà mạng phải hợp tác với các đối tác cung cấp nội dung đáp ứng được việc phục vụ từng nhóm khách hàng mà mình định hướng tới.

Song tâm lý, thói quen sử dụng và thu nhập của người dân Việt Nam trong thời điểm hiện tại có lẽ sẽ là thách thức không nhỏ cho những nhà mạng ảo tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạng di động ảo: “Lách” qua khe cửa hẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.