Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang đến trải nghiệm khác biệt, gắn bó với thiên nhiên

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 05/02/2023 06:50

(HNMCT) - Kể từ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách có những thay đổi đáng kể. Họ tìm đến với các loại hình trải nghiệm gắn bó với thiên nhiên ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là loại hình camping (cắm trại) và glamping (cắm trại cao cấp). Hình thức du lịch này mang lại trải nghiệm độc đáo, khác biệt, góp phần nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, bảo vệ cảnh quan, môi trường cho khách du lịch. Với những tác động tích cực theo hướng “xanh” và bền vững ấy, đây sẽ là xu thế của tương lai.

Glamping mang lại những trải nghiệm độc đáo, tiện nghi cho du khách. Ảnh: Internet

Xu hướng mới

Theo số liệu của hệ thống khu cắm trại thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất thế giới Kampgrounds of America (KOA), số hộ gia đình cắm trại lần đầu ở Bắc Mỹ từ năm 2019 đến năm 2020 đã tăng 260%. Số lượng du khách đến thăm các vườn quốc gia tăng 40% trong mùa thu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Những con số này cho thấy xu hướng du lịch dựa vào thiên nhiên chắc chắn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Vậy glamping là gì? Đây là một thuật ngữ được ghép từ hai từ tiếng Anh là glamorous (sang trọng) và camping (cắm trại), cho thấy tính chất của loại hình này, đó là cắm trại với tiện nghi đầy đủ, sang trọng. Nếu như đi cắm trại thông thường, du khách sẽ phải tự chuẩn bị lều trại, củi lửa, đồ dùng, thực phẩm mà tiện nghi thường chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu, thì với glamping, du khách chỉ cần đặt một nơi phù hợp với sở thích, điều kiện kinh tế và thời gian của mình, còn những khâu khác sẽ do nhân viên tại khu nghỉ chuẩn bị. 

Tiêu chí hàng đầu của loại hình lưu trú glamping là mang lại cho du khách những trải nghiệm tiện nghi, sang trọng như một khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng vẫn giúp du khách được thả mình vào thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng, thư giãn. Nghỉ trong các lều glamping, du khách có cơ hội “chạm” vào sợi dây kết nối với thiên nhiên một cách dễ dàng mà không bị bao bọc bởi 4 bức tường bê tông và các thiết bị điện tử.

Tuy là những căn lều được dựng bằng vải bạt hoặc gỗ tái chế, nhựa tổng hợp nhưng du khách có thể yên tâm trước các yếu tố bất thường của thời tiết, bởi glamping cho phép lắp đặt hệ thống điều hòa, lò sưởi, đồng thời có khả năng tránh côn trùng và các loài động vật khi ở giữa môi trường thiên nhiên. Một điểm khác biệt nữa của loại hình lưu trú này là du khách sẽ cảm thấy thoải mái như ở nhà khi được nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng của căn lều có sức chứa từ 2 - 10 người, với đầy đủ giường, tủ, đệm, buồng tắm, khu vệ sinh đạt chuẩn. 

Ở Việt Nam, với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan, glamping có thể được dựng trong rừng, bên suối, thác, trên bãi biển hay đỉnh núi cao. Nhờ ưu điểm nổi trội là không xây dựng kiên cố, lắp đặt nhanh và phù hợp với mọi loại địa hình nên glamping có thể phát triển rộng rãi. Đà Lạt (Lâm Đồng) là nơi du nhập loại hình này sớm nhất cả nước, với những tên tuổi trong “làng” glamping như: CampArt by #MợJen, Twin Beans Farm, Cloud View Glamping and Camping nằm bên hồ Suối Vàng hoặc dãy núi Lang Biang thơ mộng.

Tại Ninh Thuận, khu glamping được hình thành sớm nhất là Tanyoli, nơi có những lều Mông Cổ, đồi cát, đồng cừu vô cùng lãng mạn khiến du khách trẻ đổ xô tới check-in. Còn ở Hà Nội, du khách có thể trải nghiệm glamping theo phong cách đô thị vô cùng thú vị và không kém phần lãng mạn tại Glamping Lotte Center Hà Nội nằm trên tầng 7 của Lotte Department (quận Ba Đình), hay về vùng ngoại thành tại La Nha Glamping Land (huyện Đông Anh)... Sự nở rộ của các khu glamping này cho thấy nhu cầu đi du lịch, kết nối với thiên nhiên ngày càng lớn của du khách.

Khu glamping hình tổ chim trong khuôn viên Khu du lịch Mộc Châu Island (Sơn La) mới được đưa vào khai thác, vận hành.

Nội thất tiện nghi bên trong khu glamping của Khu du lịch Mộc Châu Island.

Phát triển bền vững - nhân tố thúc đẩy glamping

Lý giải nguyên nhân glamping trở nên thịnh hành, Giám đốc Công ty Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng: “Đó là do sự cũ đi của các điểm đến thắng cảnh, di sản, đô thị vì du khách đã đến và trải nghiệm trong suốt 2 thập niên. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân được nâng cao nên họ nhận ra giá trị của thiên nhiên, có ý thức trân trọng và yêu thiên nhiên hơn. Hơn nữa, sự trẻ hóa trong thị trường khách du lịch với tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi lao động, có khả năng chi trả tốt chiếm đa số là yếu tố tạo ra nhu cầu du lịch, đặc biệt là loại hình glamping và camping”.

Nhìn nhận mối liên hệ giữa glamping và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, theo Giám đốc Công ty Cổ phần Mặt Trời Việt Nam (SunVina Travel) Tạ Hữu Chiến, sau 2 năm diễn ra dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe của du khách đã tăng mạnh mẽ. “Xu thế của du khách có nhiều thay đổi khi resort không còn là ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, nhiều người chọn hình thức ngủ lều - glamping - để quây quần bên gia đình, nhóm bạn. Nắm bắt được nhu cầu này, SunVina Travel đã đưa vào sản phẩm tour kết hợp các hình thức trải nghiệm tâm linh, sinh thái, lều glamping, chăm sóc sức khỏe nhằm mang đến cho du khách nguồn năng lượng tích cực từ thiên nhiên, giúp du khách tự chữa lành (i-healing) để lấy lại trạng thái cân bằng, giảm stress và trị bệnh hiệu quả” - ông Chiến nói.

Bên cạnh những lợi thế trên, loại hình glamping còn có đóng góp không nhỏ trong việc tăng doanh thu và giá trị gia tăng cho các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn. Đơn cử là sự kết hợp giữa Công ty Cổ phần Umove Travel and Outdoor Gare - đơn vị bán lẻ, phân phối trang thiết bị du lịch và dã ngoại, với Công ty Cổ phần du lịch Làng Ba Khan (Hòa Bình) để lắp đặt 10 căn lều glamping trong khuôn viên Ba Khan Resort.

Giám đốc Công ty Cổ phần Làng Ba Khan Nguyễn Văn Hảo cho biết, sự kết hợp giữa hình thức lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp và glamping là mối quan hệ “tương sinh” bởi vào mùa thấp điểm, du khách sử dụng dịch vụ glamping sẽ góp phần duy trì hoạt động cho resort và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Còn vào mùa cao điểm, glamping sẽ là giải pháp tối ưu giải quyết tình trạng “cháy phòng”. Hơn nữa, glamping cũng mang lại trải nghiệm mới mẻ cho các khách hàng truyền thống để họ quay lại khu nghỉ dưỡng nhiều lần. Điều đó mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn cho khu nghỉ dưỡng và khách sạn.

Mặc dù được đánh giá là hình thức lưu trú thân thiện với môi trường khi không tác động nhiều đến cảnh quan thông qua việc lắp đặt và sử dụng các vật liệu tái chế, không xây dựng bằng vật liệu kiên cố, nhưng nhiều chuyên gia du lịch vẫn bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên tại các khu glamping.

Để phát triển glamping một cách bền vững, ông Nguyễn Văn Tài cho rằng, cần sự tham gia đồng bộ của nhiều bên. Theo đó, chính quyền địa phương cần xác định tiềm năng, không gian và điều kiện cảnh quan để quy hoạch bài bản, tránh phát triển tràn lan, chạy theo xu hướng mà quên đi giá trị cốt lõi của địa phương. Về phía cơ quan quản lý du lịch, cần có quy định, quy chuẩn và tiêu chí cụ thể đối với loại hình camping và glamping. Cơ quan bảo vệ môi trường cần có hướng dẫn chi tiết cùng các yêu cầu về điều kiện hạ tầng để nhà đầu tư cam kết không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, các hiệp hội du lịch và tổ chức lữ hành cần có một bộ quy tắc ứng xử đối với du khách tham gia loại hình du lịch này.

Theo báo cáo du lịch hàng năm của trang Booking.com, du khách ngày càng quan tâm tới môi trường. Khi trang web nổi tiếng về đặt phòng này khảo sát khách du lịch tại 30 quốc gia, 83% số người cho rằng, du lịch bền vững và ý thức về môi trường là quan trọng. Còn theo cuộc khảo sát của National Geographic đối với 3.500 người trưởng thành ở Mỹ, một nửa số du khách từ 18 - 34 tuổi ưu tiên tính bền vững trong các quyết định du lịch, với 66% thế hệ millennials (sinh từ năm 2000 trở về sau) sẵn sàng trả nhiều hơn cho dịch vụ của các công ty cam kết tạo ra tác động tích cực đến môi trường.

Đây là điều mà các nhà đầu tư, kinh doanh glamping và cả camping tại Việt Nam cần lưu ý để có giải pháp thu hút khách du lịch một cách hiệu quả, bền vững, đặc biệt là đối tượng khách trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mang đến trải nghiệm khác biệt, gắn bó với thiên nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.