(HNM) - Đoàn nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 có 15 đại biểu. Phần lớn họ lần đầu tiên tham dự hội nghị nhưng không hề xa lạ trên văn đàn.
Trong số đó có người đã ít nhiều khẳng định được tên tuổi qua tác phẩm, giải thưởng văn học, các sự kiện sinh hoạt văn chương trong nước… Với một câu hỏi chung: "Bạn mang gì đến diễn đàn và hy vọng có thêm điều gì sau hội nghị?" chúng ta cùng lắng nghe chia sẻ của họ.
- Chiến sĩ CAND Trần Minh Hợp (1988) - Tác phẩm đã xuất bản: “Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy” (NXB Kim Đồng), “Cô gái bán ô màu đỏ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Giải nhì truyện ngắn “Những kỷ niệm thời đi học” (Báo Thiếu niên tiền phong), Giải KK truyện ngắn hay Báo Tiếp thị & Gia đình.
Là một người lính trẻ, tôi rất cảm động khi được đến thăm ATK trong khuôn khổ chương trình của hội nghị. Tôi muốn đem rất nhiều điều, như giọng miền Nam và phong vị của người miền Nam đến miền Bắc. Hơn thế là tâm tư một người trẻ viết văn của TP Hồ Chí Minh, cùng các bạn văn khác mang lại một không gian sáng tác trẻ của thành phố đến hội nghị: Đam mê, hăng say, chịu khó dấn thân và hài hòa… Tôi cũng sẽ chuẩn bị những ý kiến trao đổi về những vấn đề của văn chương đương đại, góp phần xây dựng đội ngũ viết văn trẻ nước nhà.
Đương nhiên, tôi mong mang về những kinh nghiệm, phong cách sáng tác mới, rồi hy vọng vào những mối quan hệ văn chương tốt đẹp để cùng vun đắp cho niềm tin về một con đường văn chương dành cho người viết trẻ Việt Nam. Tôi không chú ý đến những việc cách tân hay chạy theo yếu tố thị trường trong các sáng tác của mình. Tôi để văn chương của tôi đi tự nhiên và vẫn luôn tin sẽ có độc giả của mình…
Lần đầu tiên đến với hội nghị, ngoài niềm vui được tham dự, tôi chỉ biết mang đến một tâm trạng như… tờ giấy trắng, chưa có nét chữ hay hình vẽ nào. Những đường nét, màu sắc rồi sẽ dần hiện ra trong không khí hội ngộ. Tôi muốn để tất cả đến với mình thật tự nhiên và việc của tôi là mở lòng ra đón nhận.
- Nhà thơ, nhà báo Nguyệt Phạm (1982). Tác phẩm đã xuất bản: “Dự báo thời tiết” - Thơ (Nhóm Ngựa Trời) - NXB Hội Nhà văn, “Mắt giấy” - Thơ - NXB Thanh niên. Giải thơ “Bút mới” Báo Tuổi trẻ.
Đến với hội nghị lần này, tôi mang đến những bài thơ và có lẽ còn có một số trăn trở của người viết trẻ mong muốn được chia sẻ cùng các bạn viết khác. Tin rằng sau khi trở về, tôi sẽ có thêm được nhiều bạn văn mới. Tôi hy vọng hội nghị sẽ mang đến cho người viết trẻ một không khí văn chương thực sự, không khí đó theo tôi về để tôi cảm thấy cần thiết và có lý do xuất hiện thường xuyên trở lại. Thú thật hiện tại tôi viết khá nhiều nhưng tôi chỉ cất giữ cho riêng mình chứ ít khi công bố, bởi tự nhiên có cảm giác ngoài tôi ra không ai còn muốn đọc thơ. Suy nghĩ đó có thể chưa hẳn đúng với thực tế, tuy nhiên tôi cần một không khí đầy văn chương để hít thở và tự tin trở lại.
- Nhà thơ người Chăm Đồng Chuông Tử (1980). Tác phẩm đã xuất bản: “Thèm ăn”, NXB Thanh niên, “Mùi thơm của im lặng”, NXB Hội Nhà văn và Nhà sách Bách Việt. Tham dự trình diễn thơ trong Ngày thơ VN Nguyên tiêu 2010 ở Văn Miếu, Hà Nội…
Độc giả văn chương biết đến cái tên Đồng Chuông Tử là từ địa hạt thơ. Đó là phần thưởng lớn, giấy chứng nhận vô hình nhưng mức độ xác tín, hiệu lực của tâm hồn thì mãi… xanh tươi. Độc giả cũng biết Đồng Chuông Tử chính hiệu sắc tộc thiểu số của miền Trung tràn nắng gió. Ra Hà Nội tham dự hội nghị toàn quốc, Đồng Chuông Tử cũng chỉ có trái tim luôn tràn đầy cảm xúc.
Còn mang gì về đây, sau chuyến đi? Có một điều biết chắc, Đồng Chuông Tử sẽ lại mang niềm vui của ngày hội ngộ lẫn nỗi buồn của buổi rời xa, ục ịch lê bước về Nam…
- Dịch giả, nhà báo Nguyễn Lệ Chi (1976). Dịch giả của hơn chục đầu sách văn học Trung Quốc. Giám đốc Công ty Sách Chibooks, sau hai năm đã phát hành được hơn 40 đầu sách, phần lớn là sách văn học nước ngoài (chủ yếu là Anh, Mỹ)…
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự hội nghị các nhà viết văn trẻ toàn quốc, đặc biệt là trong tư cách một dịch giả, nên không tránh khỏi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Phần mừng vì vai trò của dịch giả dần được coi trọng, được tham gia ngang hàng cùng dân sáng tác, được nêu lên ý kiến của mình. Phần lo không biết mình có thể giúp cho phần lớn các dịch giả trẻ thầm lặng khác của TP Hồ Chí Minh nói lên được tâm tư, nguyện vọng của chính họ hay không. Rồi tiếng nói của mình có tác động được gì giúp cho cộng đồng những người làm công tác dịch thuật hay không?
Vì vậy, tôi mang theo nhiệt huyết và hoài bão muốn tìm kiếm sự tôn trọng và vị trí xứng đáng cho những người làm công tác dịch thuật trong xã hội. Ngoài ra, tôi cũng mong học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các dịch giả khác đến từ mọi miền đất nước, mở rộng thêm kiến thức và tầm nhìn nghề nghiệp của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.