Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang đến hơi thở mới cho tranh lụa

Nguyễn Thị Trang Ngà| 27/08/2022 07:22

(HNMCT) - Lụa là một chất liệu hội họa truyền thống của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, độc đáo ngay trong chính tên gọi của chất liệu và kỹ thuật vẽ, bởi cách gọi không theo chất màu mà bằng vật liệu làm nền tranh. Ngày nay, các họa sĩ trẻ đã có nhiều thử nghiệm để mang đến hơi thở mới cho tranh lụa.

Tác phẩm "Hồ Gươm" của tác giả Trang Ngà.

Tranh lụa xưa - nay

Trong lịch sử phát triển từ đầu thế kỷ XX đến nay, tranh lụa đã trải qua không ít thăng trầm nhưng vẫn được nhiều họa sĩ yêu thích, sáng tạo.

Khác với tranh sơn dầu, sơn mài, tranh đồ họa... mà tên gọi theo chất liệu màu vẽ lên nền, tranh lụa vẽ bằng màu nước là chủ yếu nhưng lại là gọi theo nền của tranh (lụa). Tranh lụa còn đặc biệt ở chỗ có thể dùng nhiều loại màu khác nhau để vẽ lên nền lụa, có thể dán vàng, bạc, điệp, nhũ... nhưng phải giữ được chất lụa của nền tranh thì mới là tranh lụa đúng nghĩa. Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam là những nước có nền nghệ thuật tranh lụa phát triển, tuy nhiên, mỗi nước lại có sự khác nhau về kỹ thuật xử lý và vẽ tranh.

Qua thời gian, có những lúc tranh lụa yếu thế hơn so với các chất liệu khác. Khi nói đến tranh lụa, người ta có sự cảm nhận giới hạn về đề tài, về bảng màu không thật phong phú, sự hạn chế trong việc thể hiện ngôn ngữ tạo hình và bút pháp biểu đạt. Các họa sĩ thường quan niệm rằng, vẽ theo kỹ thuật lụa truyền thống thường phải có mạch ý tưởng một cách liên tục, rõ ràng và được thể hiện một cách từ tốn, tao nhã, chậm rãi. Vì vậy, đòi hỏi người vẽ phải kiên trì để nuôi dưỡng và duy trì mạch cảm xúc khi thể hiện.

Thế hệ họa sĩ được coi là “trẻ”, sinh khoảng từ những năm 1970 trở lại đây, đã có những đóng góp đáng kể cho tranh lụa hiện đại Việt Nam. Trong các sáng tác của họ, tranh lụa đã có bước tiến phong phú, đa dạng về hình thức biểu hiện, giàu cảm xúc, nội dung rộng lớn hàm chứa nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm đã thể hiện được sự phong phú về ý tưởng, đề tài, phong cách, sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác cũng như những chuyển biến sâu sắc trong tư duy nghệ thuật. Các họa sĩ cho thấy sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo của một thế hệ họa sĩ khát khao khai mở khả năng tận cùng của chất liệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên sắc diện mới cho tranh lụa Việt Nam.

Về quan niệm tạo hình trong tranh lụa, họ đã nghiên cứu và đưa những kỹ thuật mới, cách xử lý để tạo ra hiệu quả mới lạ. Sự đổi mới đó đã đáp ứng sự khao khát trong sáng tạo của họa sĩ và đem đến cho người thưởng thức hiệu ứng bất ngờ. Các họa sĩ đã làm cho lụa sống lại và thổi vào đó một hơi thở hiện đại mà vốn dĩ nó phải có từ lâu để bắt cùng nhịp phát triển với các chất liệu khác.

Cần có sự đột phá

Giới mỹ thuật Việt Nam nhận thấy cần phải có sự đột phá trong chất liệu lụa. Ngoài lối vẽ mờ nhòe, vẻ đẹp nuột nà quen thuộc, cần phải khai thác lối vẽ mạnh mẽ, khắc phục hạn chế trong việc tả khối, tả chất của tranh lụa mà vẫn giữ được vẻ đẹp giàu chất thơ của lụa truyền thống. Vì vậy, đã có sự nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật của Trung Quốc, Nhật Bản, kết hợp vẻ đẹp truyền thống của tranh lụa cổ Việt Nam để có những sáng tạo trong quá trình vẽ lụa.

Điểm mạnh của tranh lụa hiện đại Việt Nam là nét tươi trẻ, cái nhìn mạnh dạn về cuộc sống được biểu hiện trong phong cách nghệ thuật đầy cá tính, tự do, phóng khoáng. Trong tranh lụa hiện đại, các họa sĩ đã tìm ra cách thể hiện mới dựa trên nền tảng tiếp thu những sáng kiến và thành tựu của nghệ thuật tạo hình thế giới kết hợp với kỹ thuật vẽ lụa truyền thống để tạo nên một diện mạo mới cho tranh lụa bên cạnh các chất liệu khác. Trong đó, sự khai phá khoảng trống, tạo dựng nên những khoảng trống ước lệ và đưa vào đó ý niệm tạo hình sâu sắc, triết lý nhân sinh là điều được các họa sĩ ưa thích.

Ngày nay, sự cảm nhận về khoảng trống đã rất khác trước. Sự suy tư, tìm tiếng nói, tiếng vọng sắc âm của khoảng trống trong tranh lụa Việt Nam rõ ràng là một hướng đi khác hoàn toàn với khoảng trống trong quốc họa của Trung Quốc khi nó là chỗ đề thơ theo nguyên lý hội họa Trung Hoa “Trong thơ có họa, trong họa có thơ”. Khoảng trống trong tranh lụa Việt Nam là triết lý nhân sinh mang sắc thái Việt gần gũi và ấm áp, bởi vì nó tạo nên một giá trị thẩm mỹ tạo hình khác. Họa sĩ Nguyễn Quân từng nói: “Phần để trống của lụa lại là sự chuyển tiếp không biên giới, không đối lập từ chỗ màu đậm nhất tới chỗ không có gì. Ta để ý rằng cả những ô trống của thớ lụa, nghĩa là cái nằm ngoài nền tranh, thực cũng là một phần của tranh”.

Trước đây, họa sĩ cần phác thảo kỹ trước khi vẽ trên lụa vì mọi sự sai có thể khiến ta bỏ cả tấm lụa. Vẽ lụa cần độ loang mờ, mềm mại, vẽ nhuộm nhiều lớp (vẽ lụa chín) để tạo màu thắm đạt độ sâu lan tỏa trong tranh. Các họa sĩ trẻ hiện nay có những thể nghiệm mới, nhờ sự hiểu biết và kỹ thuật lụa điêu luyện nên đã tự tin vẽ trực tiếp mà không cần bước can hình để diễn đạt được cảm xúc tức thời khi vẽ như sơn dầu, acrylic, tranh giấy... Đồng thời, họ vẫn có thể nhuộm lụa theo kiểu truyền thống với những “phụ gia” làm phong phú và tạo ấn tượng mới cho tranh.

Tác phẩm "Vườn phương Đông 4" của tác giả Vũ Đình Tuấn.

Một số điểm sáng

Gần đây, có một số họa sĩ chuyên vẽ tranh lụa có dấu ấn như Bùi Tiến Tuấn, Vũ Đình Tuấn, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Đức Toàn...

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn tạo dựng phong cách đặc biệt mang dấu ấn cá nhân với hình tượng người phụ nữ đương thời. Hoàn toàn trái ngược với hình ảnh người phụ nữ duyên dáng nền nã bình dị trong tranh lụa mà ta quen thấy trước đây, người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn mạnh mẽ, cá tính, tung tẩy, lối vẽ biến hóa phá vỡ các quy tắc về hình thể hiện thực mang lại vẻ đẹp kiêu kỳ của sự chuyển động trong cách tạo hình kéo dài hình thể đến khác thường, đem lại sự cuốn hút rất mạnh về thị giác.

Vũ Đình Tuấn thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ với kỹ thuật riêng độc đáo kết hợp lối vẽ nhuộm màu nhiều lớp, tạo nên không gian huyền ảo vừa gần gũi thân thuộc vừa xa xăm, kỳ bí. Những khuôn mặt xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của anh tạo ấn tượng mạnh mẽ đầy cá tính. Với cách nhìn mới trong bố cục, tạo hình, màu sắc, họa sĩ Vũ Đình Tuấn đã mang một sắc thái mới cho tranh lụa hiện đại.

Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ đương đại, anh sáng tác dòng tranh lụa theo phong cách riêng là không biểu, không khung kính mà tranh được ghim bằng những đinh ghim nhiều màu, mang đến lối thưởng thức trực tiếp với bề mặt lụa. Đề tài đặc trưng của anh là những ngôi nhà trong phố Hà Nội trong giai đoạn xây dựng hoặc trùng tu được che chắn bởi những tấm bạt sọc xanh, đỏ, trắng điển hình của các công trình xây dựng một thời; bút pháp thoải mái dựa trên kỹ thuật lụa rung nhòe, đanh sắc theo phong cách đậm nhạt tả thực. Góc nhìn thể hiện sự nuối tiếc, phảng phất sự xót xa về dấu xưa Hà Nội, tranh của anh làm công chúng phải luôn suy ngẫm.

Những năm gần đây, tranh lụa ngày càng thu hút sự quan tâm của các họa sĩ. Sự đổi mới sáng tạo trong nội dung, kỹ thuật biểu hiện, trong cách xử lý kỹ thuật, hòa sắc, khả năng biểu đạt của ngôn ngữ tạo hình tạo nguồn cảm hứng cho người sáng tác và các nhà nghiên cứu về tranh lụa. Đây là tiền đề cho sự bứt phá mạnh mẽ và cần thiết, tất yếu của tranh lụa trong giai đoạn tiếp theo, góp phần mở rộng, gìn giữ và phát triển nghệ thuật tranh lụa trong xu hướng vận động và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang đến hơi thở mới cho tranh lụa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.