Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mầm xanh trên đất cằn

Nguyễn Mai| 17/10/2022 12:09

(HNMO) - Những vạt đồi vốn trồng ngô, sắn hiệu quả thấp ở các xã Bắc Sơn, Xuân Giang của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang được thay bằng vùng chuyên canh cây dược liệu giá trị cao. Rất nhiều phụ nữ nông thôn nơi đây được tuyển vào làm “công nhân nông nghiệp”, được nhận lương, đóng bảo hiểm hằng tháng.

Người tiên phong ươm mầm xanh trên đất khó này cũng là một phụ nữ - chị Nguyễn Thanh Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn). Những ngày này, chị Tuyền cùng đội ngũ nữ "công nhân nông nghiệp" càng rộn ràng với những hoạt động ngày lễ 20-10 như "tự thưởng" cho thành quả sau những vất vả, nỗ lực không ngừng...

 Cánh đồng dược liệu phủ xanh các sườn đồi ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) trước đây vốn chỉ trồng ngô, sắn, hiệu quả thấp.

Đất khó không phụ công người

Với tình yêu và niềm đam mê, khoảng 10 năm về trước, chị Nguyễn Thanh Tuyền (quê gốc ở tỉnh Vĩnh Long) không quản ngại vất vả, cất công tìm vùng đất thích nghi để phát triển cây dược liệu. Sau bao nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ về thổ nhưỡng, khí hậu..., chị đến với các xã Bắc Sơn và Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) gây dựng vùng dược liệu trù phú.

Trải lòng về những ngày đầu đến với vùng đất khó này, chị Tuyền không giấu nổi bùi ngùi: “Núi đồi thì ở nhiều địa phương từ Bắc đến Nam đều có, nhưng không phải vùng đất nào cây dược liệu cũng thích nghi. Trước khi bắt tay phát triển vườn dược liệu, tôi đã nghiên cứu kỹ thời tiết, độ ẩm, thổ nhưỡng... ở rất nhiều nơi khác nhau. Cuối cùng, tôi phát hiện, vùng núi thuộc huyện Sóc Sơn nằm trong hệ thống núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều lợi thế hơn các vùng khác cho cây dược liệu nên tôi đã chọn và đặt vấn đề nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ; đồng thời, kiên trì thuyết phục người dân ủng hộ phát triển vườn dược liệu. Nói thì dễ, nhưng để xây dựng được vùng dược liệu như hôm nay là cả hành trình gian nan. Thời điểm đó, người dân nơi đây vốn chỉ quen cấy lúa, trồng khoai, trồng sắn..., việc trồng và bảo tồn cây dược liệu là điều gì đó thật xa lạ. Hơn nữa, với lương thực, nếu không bán có thể lưu trữ, sử dụng dần, nhưng với cây dược liệu thì không đơn giản như vậy. Chưa kể, tôi không phải người địa phương nên chưa dễ tạo lòng tin với người dân...”.

Bền bỉ gây dựng, cuối năm 2014, 5ha cây dược liệu đầu tiên của chị Tuyền đã hình thành trên địa bàn xã Bắc Sơn, chủ yếu là cây trà hoa vàng, khôi tía. Lấy ngắn nuôi dài, chị Tuyền trồng thêm một số thảo dược ngắn ngày như: Râu mèo, thìa canh, kim ngân hoa và các loại hoa dược liệu khác, cung cấp cho các công ty dược; chế biến các loại trà thảo mộc... phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Quy mô sản xuất tăng dần, đến nay, vùng trồng dược liệu ở Bắc Sơn và một số xã xung quanh đã có diện tích hơn 30ha với khoảng 100 loại thảo dược quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ, trà hoa vàng… Trong đó, nhiều dược liệu trồng bảo tồn gen; có loài được mở rộng diện tích như trà hoa vàng 7ha với hơn 20 chủng loại. Khu vườn dược liệu cứ thế lớn dần, từ chỗ chỉ là hộ sản xuất, hiện nay, chị Tuyền phát triển mô hình thành Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn.

 Chị Nguyễn Thanh Tuyền bên vườn ươm cây trà hoa vàng.

Làm nông nghiệp vốn bấp bênh, thường xuyên đối mặt với rủi ro bởi không phải lúc nào thiên nhiên cũng thuận. Những trận dông lốc, mưa dầm hay những tháng hè nắng cháy... đã lấy đi bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của chị cùng cộng sự. Đó là chưa kể tập quán canh tác cũ đã “ăn sâu, bám rễ” nên khi chuyển sang canh tác hữu cơ, người dân không tránh khỏi lúng túng... Khi ấy, chị Tuyền lại kiên nhẫn “cầm tay chỉ việc”... Chị bảo, cây dược liệu khá khó tính, phải trồng, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, đúng quy trình, đủ thời gian chứ không thể “kích” cho lớn nhanh để thu hoạch.

Trực tiếp cùng người lao động trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu không kể ngày nắng, ngày mưa với bao vất vả nhọc nhằn, chị và những nông dân nơi đây đã được hưởng thành quả khi vườn dược liệu ngày càng đa dạng, xanh tốt.

Điểm tựa cho phụ nữ nông thôn

Có một điều đặc biệt đó là Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi. Ở độ tuổi trên 40, lao động nữ rất khó để tìm được việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp..., song với công việc trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu thì phụ nữ lớn tuổi lại có thể tham gia dễ dàng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (ở thôn Tiên Chu, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) - người gắn bó với hợp tác xã nhiều năm nay cho biết, công việc chăm sóc, thu hái dược liệu không quá vất vả, lại gần nhà nên vẫn có thời gian chăm sóc cho gia đình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi. Thu nhập tại hợp tác xã bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chị được hợp tác xã hướng dẫn trồng rau, cây ăn quả, nuôi gà tại gia đình theo hướng hữu cơ rồi được hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Cứ vậy, mỗi tháng, chị em cũng có thêm 1-2 triệu đồng, kinh tế ổn định...

Để đưa cây thuốc Nam chữa bệnh đến gần đời sống người dân, chị Tuyền cùng các nhà sư chùa Đức Hậu (xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) mở tủ thuốc Nam từ thiện. Mỗi tháng 2 kỳ - vào mùng một và ngày rằm, nhà chùa phát thuốc cho người có nhu cầu. Rất nhiều bệnh nhân bị bệnh thông thường như: Mẩn ngứa, sỏi thận, dạ dày... đã tới lấy thuốc về sử dụng.

“Người đến xin thuốc mang theo kết quả chẩn đoán bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, chúng tôi bốc thuốc, hướng dẫn uống cụ thể. Chúng tôi cũng có sổ theo dõi bệnh nhân, sau khi phát thuốc 3 tháng và yêu cầu bệnh nhân tái khám tại cơ sở y tế để thẩm định kết quả sau khi sử dụng thuốc ở đây”, chị Tuyền chia sẻ.

 Rất nhiều lao động nữ ở các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có việc làm và thu nhập tốt hơn khi tham gia trồng dược liệu cho hợp tác xã.

Không chỉ phát thuốc, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn còn khuyến khích người dân tự trồng cây dược liệu tại nhà. Sau khi uống thuốc Nam có tác dụng, hợp tác xã vận động và hỗ trợ cây giống để bệnh nhân tự trồng cây dược liệu trong vườn nhà, phục vụ chính nhu cầu chữa bệnh của gia đình. Qua đó, người dân có thể chủ động chữa những bệnh đơn giản - đó cũng chính là cách thu hút người dân tham gia trồng cây xanh, bảo vệ môi trường...

Theo chị Tuyền, thầy thuốc giỏi tìm ra bệnh nhưng không có thuốc tốt thì vẫn khó khỏi bệnh. Thuốc tốt phải bắt nguồn từ dược liệu tốt. Vì vậy, các khâu gieo trồng dứt khoát không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học mà được thành viên Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn dùng phân bón hữu cơ, các loại thảo mộc trong phòng ngừa và trị sâu, bệnh cho cây. Nhờ vậy, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch của hợp tác xã được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua hết.

Bên cạnh đó, chị Tuyền còn chế biến 25 sản phẩm từ vườn thảo dược như: Trà ướp hoa, trà hoa... Các loại thảo dược túi lọc; các loại tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm (từ thảo dược)... được người tiêu dùng tin cậy. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn người dân “gia giảm” dược liệu vào các món ăn, đồ uống hằng ngày để góp phần cải thiện sức khỏe...

Vùng dược liệu ngày một phát triển, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn ấp ủ dự định thu hút khách tham quan, trải nghiệm vườn thuốc gắn với việc tiêu thụ dược liệu, nông sản sạch cho người dân địa phương. Tận dụng lợi thế xã Xuân Giang có những đầm lầy, ruộng trũng canh tác không hiệu quả, chị Tuyền thuê lại 1,2ha để trồng sen, súng và cải tạo cảnh quan để đón khách tham quan. Mô hình đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm thêm cho nhiều lao động địa phương, tiêu thụ nông sản sạch, giúp người dân có sinh kế ổn định, cuộc sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mầm xanh trên đất cằn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.