(HNMO) – Ngày 17-3, các nước châu Âu vẫn chứng kiến mức tăng mạnh số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong khi đó, Mỹ trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất từ khi dịch bùng phát. Trên toàn thế giới, tổng số bệnh nhân mắc chủng mới của vi rút corona là 182.383 người; 7.144 ca tử vong được ghi nhận tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Châu Mỹ
New Jersey trở thành bang đầu tiên của Mỹ ban bố lệnh giới nghiêm, hạn chế hoạt động đi lại từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hằng ngày nhằm đối phó với tình trạng lây lan của dịch Covid-19. Thống đốc bang Phil Murphy nêu rõ: "Lệnh giới nghiêm này tiếp tục có hiệu lực trong tương lai gần. Chúng tôi muốn mọi người ở nhà, không ra ngoài".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thúc giục người dân Mỹ tạm ngừng hầu hết các hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và không tụ tập ở các nhóm hơn 10 người trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại nước này. Thông báo những hướng dẫn mới từ lực lượng đặc nhiệm chống vi rút SARS-CoV-2 của Nhà Trắng tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump khuyến cáo người dân Mỹ nên tránh đi lại tùy ý và không tới các quán bar, nhà hàng, khu ẩm thực hay các phòng tập gym. Tổng thống Trump cho biết đã đưa ra quyết định tăng cường hơn nữa các hướng dẫn nhằm giảm sự lây nhiễm, đồng thời nhận định dịch Covid-19, kẻ thù vô hình, có thể kéo dài tới tháng 7 hoặc tháng 8 và cũng có thể muộn hơn trong năm nay.
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ đã tăng thêm 919 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân lên 4.599 người, 86 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh liên tục tăng mạnh, Tổng thống D. Trump cũng đưa ra cảnh báo về khả năng có thể xảy ra suy thoái, yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng tái tranh cử của ông vào tháng 11 tới.
Châu Âu
Italia tiếp tục trải qua ngày có số bệnh nhân nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng chóng mặt với thêm 3.233 ca mắc bệnh và 349 ca tử vong. Tổng số người nhiễm bệnh tại nước này đã là 27.980 ca, 2.158 trường hợp tử vong.
Chính phủ Italia đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch Covid-19. Sắc lệnh này bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của vi rút SARS-CoV-2. Phát biểu trên truyền hình, ông E.Macron cho rằng, nước Pháp “đang ở trong tình trạng chiến tranh”, đối mặt với kẻ thù “vô hình, khó nắm bắt”. Tổng thống Pháp tuyên bố, hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17-3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ. Ông Macron cũng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm.
Tổng thống Macron cũng tuyên bố, vòng 2 của cuộc bầu cử địa phương, dự kiến diễn ra ngày 22-3, sẽ được hoãn lại. Bên cạnh đó, tất cả những chính sách cải cách đang diễn ra, bao gồm cả chế độ lương hưu, cũng tạm thời dừng thực hiện. Theo Tổng thống Macron, một bệnh viện dã chiến của quân đội sẽ được triển khai ở vùng Alsace, miền Đông Bắc Pháp. Khẩu trang y tế được ưu tiên phân phối cho các bệnh viện và cơ sở y tế địa phương. Xe taxi và khách sạn sẽ có thể được huy động để chuyên chở nhân viên y tế, và mọi chi phí sẽ được Nhà nước thanh toán.
Tính đến sáng 17-3, Pháp đã xác nhận 6.633 ca nhiễm bệnh, 148 ca tử vong.
Tại Tây Ban Nha, quốc gia có số bệnh nhân Covid-19 cao thứ 2 châu Âu sau Italia, số ca nhiễm đã tăng lên 9.942 người, 342 trường hợp tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), người đứng đầu nhóm Eurogroup, kiêm Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, ông Mario Centeno nhấn mạnh, các nước châu Âu đều nhận thức được rằng dịch Covid-19 chưa lên tới đỉnh điểm. Do đó, những biện pháp hiện nay mà các nước châu Âu đưa ra nhằm ứng phó với dịch chỉ là tạm thời trong một cuộc chiến lâu dài. Theo ông, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiện nay đang đẩy nền kinh tế của các nước châu Âu rơi vào thời kỳ giống chiến tranh.
Châu Á
Chính phủ Lào đã cho phép đóng cửa các nhà trẻ và trường mẫu giáo trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 17-3. Phát biểu trước báo giới khi đi thị sát việc thực hiện các biện pháp giám sát, ngăn chặn, kiểm soát Covid-19 tại sân bay quốc tế Vat Tay, Bệnh viện Trung ương 103 và Bệnh viện Hữu nghị ở thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết, việc đóng cửa nhà trẻ và mẫu giáo trên toàn quốc sẽ kéo dài tới hết kỳ nghỉ năm mới của Lào (16-4). Đến nay, Lào vẫn chưa báo cáo ca nhiễm và tử vong nào do Covid-19.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18 đến 31-3.
Nhà lãnh đạo Malaysia cho biết, quyết định này có nghĩa là tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán rau quả. Trong cùng thời gian, tất cả các cơ sở của chính quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh. Ông Muhyiddin cho biết thêm, đóng cửa cũng có nghĩa tất cả người Malaysia bị cấm đi ra nước ngoài và không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia.
Tại nước Indonesia láng giềng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định rằng việc áp dụng giải pháp phong tỏa không phải là việc làm của nước này hay bất kỳ địa phương nào trong số 34 tỉnh, thành trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Theo ông Joko Widodo, việc ban hành chính sách phong tỏa ở cấp quốc gia hoặc khu vực thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, đồng thời cho rằng điều quan trọng đối với người dân là giữ khoảng cách ít nhất 2m trong tiếp xúc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.