(HNM) - Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là khâu quyết định để xây dựng những vùng sản xuất (SX) hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sử dụng đất, giúp nông dân làm giàu.
Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên được coi là điểm sáng về DĐĐT của TP, năm 2009 xã đã hoàn thành DĐĐT mỗi hộ chỉ còn một thửa. Sau khi DĐĐT, Đại Thắng hình thành nhiều trang trại, vùng SX hàng hóa lớn cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ruộng đất manh mún đã làm giảm 2,4-4% diện tích đất nông nghiệp do các bờ ngăn, bờ thửa. Yếu tố đó được minh chứng tại xã Đại Thắng, sau khi DĐĐT dư ra hàng chục héc ta tạo quỹ đất để xây trường học, công trình phúc lợi, đường giao thông. Chính nhờ quỹ đất dôi ra này đã tạo thuận lợi rất lớn cho Đại Thắng do không phải giải phóng mặt bằng.
Các diện tích chuyển đổi làm trang trại của huyện Ứng Hòa cho giá trị cao.Ảnh: Thái Hiền
Tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, trước đây mỗi hộ có tới 15-20 thửa, có thửa cách nhau 2km nên việc đưa máy móc vào SX gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nay sau DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Thu cho biết, trong quá trình thực hiện, không ít hộ có tư tưởng muốn giữ ruộng, sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân. Do đó vận động, thuyết phục phải kiên trì bằng mọi cách cho nông dân hiểu được lợi ích của DĐĐT. Nhờ DÐÐT, cánh đồng Tân Hưng nay mênh mông, không còn bờ ngang bờ dọc, cấy một giống lúa, gieo thẳng cùng thời điểm, khi lúa chín máy gặt đến tận ruộng, chấm dứt cảnh cấy sớm, cấy muộn, đỡ công gánh vác, chuyên chở vất vả.
Còn tại xã vùng trũng Phương Tú, huyện Ứng Hòa. Trước đây mỗi nhà sở hữu 15-20 mảnh ruộng, từ năm 1998 Phương Tú đã đi đầu mạnh dạn thực hiện phong trào "dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn". "Bản đồ ruộng đồng" của xã được lập lại, sau DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa. Phương Tú còn vận động các hộ trong họ hàng, anh em tiếp tục dồn đổi một lần nữa, để có diện tích lớn hơn, xây dựng nên những trang trại cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, hiện tại một số huyện làm tốt như Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì đã thực hiện nhiều đợt DĐĐT đạt 60-70% diện tích canh tác, mở ra nhiều vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, tăng giá trị sử dụng đất đai.
Từ những điểm sáng trên có thể thấy DĐĐT là điểm đột phá trong chuyển hướng kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, một thời gian dài do không được quan tâm đôn đốc nên tiến độ chung rất chậm. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chỉ đạo cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích DĐĐT. Nếu không tiến hành DĐĐT sẽ không thể áp dụng cơ giới hóa trong SX, không thể thay đổi được phương thức canh tác lạc hậu, khó có được nền nông nghiệp hiện đại. Đơn cử như xã Liên Mạc - xã điểm NTM của huyện Mê Linh hiện vẫn chưa quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi do vướng khâu DĐĐT, ruộng đất manh mún, mỗi hộ tới 7-9 thửa. Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Nông cho biết, dù xây dựng nhiều dự án như vùng rau an toàn 17,28ha, vùng lúa chất lượng cao 92,22ha; 3 khu nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả theo hướng đa canh 25ha… nhưng không thực hiện được do chưa DĐĐT.
Trên địa bàn huyện Thạch Thất, dù đã có dự án vùng trồng rau an toàn 55ha tại xã Hương Ngải, vùng chuyên trồng hoa chất lượng cao 30ha tại xã Yên Bình và vùng trồng thanh long ruột đỏ 35ha tại xã Yên Bình, Kim Quan… mang lại thu nhập cao hơn 10-15 lần trồng lúa nhưng nông dân lại không chịu DĐĐT vì sợ mất đất. Các doanh nghiệp muốn xây mô hình SX quy mô lớn cũng không gom được mặt bằng nên nhiều dự án vẫn án binh bất động. Nhiều xã đang ngại DĐĐT vì tâm lý người dân sợ mất đất bởi nhiều dự án đô thị, công nghiệp mở ra. Phong trào DĐĐT đã bị "lãng quên" trong rất nhiều năm, chỉ khi thực hiện chương trình NTM, nó mới được "hâm nóng" lại. Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã Hà Nội, DĐĐT không độc lập là một trong 19 tiêu chí NTM nhưng lại là khâu quan trọng để hoàn thành rất nhiều tiêu chí khó. Hiện 19 xã điểm NTM của TP được hỗ trợ 200 triệu đồng/xã để DĐĐT. Để đẩy nhanh tiến độ, Chi cục PTNT HN đang trình UBND TP phê duyệt chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã DĐĐT từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ha.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo NTM thành phố Nguyễn Công Soái:Đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa Các địa phương phải quyết liệt triển khai DĐĐT. Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng nội dung và tập huấn cho các xã về công tác DĐĐT. Để đẩy nhanh DĐĐT, tạo đà cho công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ TP đến các địa phương, coi đó là cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Thành phố đang xây dựng các chính sách hỗ trợ trước và sau DĐĐT, giúp nông dân tổ chức SX tốt hơn, thu nhập cao hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.