Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi vẫn lúng túng, bị động

Chí Kiên| 28/12/2011 07:20

(HNM) - Thị trường vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông sản vẫn bất ổn với các sản phẩm thật giả lẫn lộn, nhãn mác

Thực tế bức xúc này liên quan đến những vấn đề nóng bỏng như nguồn cung, hệ thống phân phối qua nhiều trung gian, công tác quản lý nhà nước chưa đủ mạnh vì thiếu cán bộ, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội chưa rõ ràng...


Trong thời gian qua, nhiều mẫu rau qua kiểm tra vẫn vi phạm chỉ tiêu về thuốc BVTV. Ảnh: Bá Hoạt


Vi phạm tiếp tục tăng


Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), triển khai Thông tư 14 (bắt đầu từ giữa năm 2011) về phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và ATVSTP nông - lâm - thủy sản đã phát hiện nhiều hạn chế tại các đơn vị được kiểm tra. Hiện có đến 38% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đạt tiêu chuẩn; cơ sở sơ chế, chế biến rau, quả 59%; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y 27%; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV 15,6%; cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi 17,6%... Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và nghề muối Nguyễn Như Tiệp cho biết, kết quả phân tích chỉ tiêu về ATVSTP các sản phẩm nông sản cho thấy, tình trạng vi phạm chất lượng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Qua kiểm tra đã phát hiện 48 mẫu trên tổng số 859 mẫu rau vi phạm chỉ tiêu về thuốc BVTV, chiếm tỷ lệ 5,59% (năm 2010 là 5,29%). Đối với thịt lợn, gà, qua lấy 817 mẫu phân tích, đã phát hiện 254 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh Salmonella (chiếm 31%); 162 mẫu phát hiện vi phạm chỉ tiêu Staphylococcus aureus (chiếm 20%)... Các địa phương ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không công khai kết quả đánh giá phân loại VTNN và ATVSTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; còn thiếu một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ
sở thu gom, bao gói rau quả tươi, cơ sở sơ chế

Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, mới dừng ở kiểm tra cảm quan, lâm sàng, giấy chứng nhận kiểm dịch hay giấy chứng nhận tiêm phòng mà chưa kiểm tra được phi lâm sàng như lấy mẫu máu xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh theo quy định. Thậm chí có hiện tượng sản phẩm không đạt chất lượng nhưng một số cán bộ thú y đã bán giấy kiểm dịch chất lượng, đóng dấu bừa bãi để tư lợi cá nhân. Tình trạng nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng, nhất là tại biên giới phía bắc. Từ đầu năm đến nay, chi cục kiểm dịch động vật các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… phối hợp với các cơ quan liên quan đã bắt giữ và xử lý 234.943kg gà thịt, thịt gia cầm, phủ tạng gia súc không bảo đảm ATVSTP, tăng 6.818kg so với năm 2010.

Ngay cả việc xử lý sản phẩm nhập lậu cũng đang gây không ít khó khăn cho các địa phương. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Lê Thị Thanh Nhàn, sản phẩm thuốc thú y, thuốc BVTV không có chỗ tiêu hủy, hiện tỉnh này còn tồn đến 11.000 tấn thuốc BVTV không xử lý được. Trong khi đó, tại các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại chịu áp lực lớn từ hai phía người tiêu dùng và chất lượng nông sản nhập từ các tỉnh. Tại TP Hồ Chí Minh, trong 7.271 vụ kiểm tra giấy kiểm dịch động vật thì có tới 4.619 trường hợp vi phạm.

Chẳng lẽ bó tay?

Trên thực tế, công tác thanh tra chuyên ngành còn bị động do chưa có quy định về thẩm quyền xử phạt của các chi cục chuyên ngành. Trong xử lý vi phạm hành chính, do các chi cục kiểm dịch động vật chưa phối hợp với các cơ quan khác như thanh tra thủy sản, quản lý thị trường dẫn đến chậm trễ, không phát huy hiệu quả, không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Nhiều địa phương chưa quan tâm tìm hiểu và chỉ đạo triển khai Thông tư 14. Sở NN&PTNT nhiều tỉnh, thành phố chưa phân công rõ ràng cho các đơn vị trực thuộc; chưa có sự phân cấp đối tượng kiểm tra cho các tỉnh, huyện, xã; lực lượng cán bộ kiểm tra còn mỏng chưa được đào tạo đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ...

VTNN có một số mặt hàng như phân bón, thuốc BVTV... đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nếu không kiểm soát kỹ lưỡng sẽ có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất. Đặc biệt, vấn đề ATVSTP không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tại cuộc họp bàn triển khai nhiệm vụ năm 2012, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và nghề muối phối hợp với Cục BVTV, Cục Thú y, Cục Trồng trọt tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác quốc tế, kiểm tra xuất khẩu, nhập khẩu, tăng cường tuyên truyền ý thức bảo đảm ATVSTP nông sản cho cả người sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm công khai kết quả phân loại đối với sản phẩm VTNN, ATTP nông - lâm - thủy sản để người dân được biết; chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ thú y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi vẫn lúng túng, bị động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.