(HNM) - Hà Nội những ngày áp Tết tấp nập trên từng ngõ phố. Thế nhưng, cái đông đúc, náo nhiệt đột nhiên như ngưng lại sau cánh cổng sắt nhỏ có tấm biển khiêm nhường
Những lớp học đặc biệt
Khi hỏi thăm đường vào đây, tôi nhận ra không phải người dân khu vực nào cũng biết đến Làng Hòa Bình nằm trên phố Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, cho dù Làng đã được thành lập từ năm 1991. Biển hiệu nhỏ, những dãy nhà cũ kỹ, cổng và sân lúc nào cũng vắng vẻ, im lìm. Đến cả những giáo viên, bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên hằng ngày vào ra nơi này dường như cũng trầm lặng hơn người nơi khác. Cái không khí bình yên đến lặng lẽ này là mái nhà, mái trường của hơn 130 đứa trẻ mà ngay từ khi sinh ra, số phận của các em đã kém may mắn hơn các bạn đồng trang lứa. Những thế hệ thứ hai, thứ ba của gia đình có người nhiễm chất độc màu da cam khiến các em mang những hình hài không lành lặn, mắc các bệnh tự kỷ, bại não, down, khuyết tật vận động... từ rất nhiều tỉnh thành phía Bắc được về đây. Ngoài những em ở Hà Nội được bố mẹ đưa đến hằng ngày, trường có hơn 30 học sinh nội trú, đó là những em quê ở các tỉnh xa như Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang... gia cảnh khó khăn, mỗi năm bố mẹ chỉ đón về nhà được một lần vào dịp Tết. Có em như Tường Minh, Ngọc Khánh, Thu Hương... vào làng khi mới 2-3 tuổi, giờ cũng đã 14-15 tuổi. Ngôi nhà thứ hai này giúp các em được học chữ, được chữa bệnh, điều trị phục hồi chức năng, được dạy nghề và trong tương lai, chắc sẽ còn gắn bó với các em lâu hơn nữa.
Trong lớp Dệt, thêu, may của Làng Hòa Bình Thanh Xuân. |
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Hoa, người gắn bó với Làng đã 8 năm kể từ ngày tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt - Đại học Sư phạm Hà Nội 1 cho biết, tiêu chí đầu tiên để phân chia các lớp học không phải dựa vào độ tuổi học sinh mà dựa vào khả năng phát triển trí tuệ của mỗi em. Vì vậy dễ dàng thấy trong lớp tiền tiểu học, em nhỏ 5-6 tuổi ngồi cạnh một bạn… đã gần hai mươi tuổi. Giáo án ở đây cũng vô cùng đặc biệt với những trang thiết bị dạy và học rất riêng, chủ yếu phụ thuộc vào sự sáng tạo, linh hoạt của mỗi giáo viên. Những giáo án kiểu này, thời gian học tính bằng năm, thậm chí tính bằng nhiều năm bởi sự tiến bộ của những học sinh đặc biệt này phụ thuộc phần lớn vào sự kiên trì, nhẫn nại của mỗi thầy cô giáo.
Tại lớp Phục hồi chức năng sinh hoạt, chỉ có khoảng 15 em nhưng phải có đến 3 cô cùng dạy. Đây là lớp đặc biệt nhất của Làng, các em hầu hết ở độ tuổi từ 10 đến 15-16 tuổi nhưng không biết tự phục vụ bản thân từ những việc nhỏ nhất. Ăn, ngủ, học chữ, thậm chí đi vệ sinh các cô cũng phải đi theo. Nhưng ở lớp Dệt, may, thêu ngay bên cạnh, nhiều bạn gái lại ngồi xỏ kim thoăn thoắt, một số bạn trai đứng máy dệt rất thành thạo. Những chiếc khăn len, áo len đủ màu sắc được trưng lên ở vị trí trang trọng, dễ nhìn nhất để khách đến thăm mua ủng hộ, động viên các em.
Tôi gặp cô Nguyễn Thị Cánh - cô giáo đã có đến 15 năm gắn bó với các em, là giáo viên có thâm niên cao nhất ở Làng trong lớp học có tên "Can thiệp cá nhân". Lớp này đặc biệt ở chỗ, mỗi tiết học chỉ có một học sinh. Một thầy một trò, dạy và học những nội dung thoạt đầu người ngoài nhìn vào... không thể hiểu nổi. Lúc tôi đến, cậu học trò chừng 15 tuổi cầm thìa xúc những hạt na, hạt ngô, hạt đỗ xanh, đỗ đen vào chai, sau đó lại đổ ra đĩa, hạt nào rơi xuống đất thì cúi xuống nhặt lên. Cô Cánh cho biết, đây là bài học phân biệt các loại hạt, hạt nào ăn được, hạt nào không và rèn kỹ năng cầm nắm những vật nhỏ cho các em. Dạy những điều này cho trẻ phát triển bình thường chỉ qua một vài lần là trẻ nhớ, dạy cho trẻ khuyết tật có khi mất đến cả năm, ngày nào cũng lặp đi lặp lại, đủ thấy lòng kiên trì của mỗi thầy cô lớn thế nào. Đó là chưa kể những em bị tăng động, không kiểm soát được mình có thể lao vào đánh cả bạn lẫn cô bất kỳ lúc nào. Cô Cánh vẫn nhớ lần bị một học sinh nam 15 tuổi đập cùi chỏ vào mắt trái, đau và tím đến gần hai tháng mới khỏi. Vất vả là thế nhưng thương các em, thương gia đình các em, những người bố người mẹ ngày ngày vẫn đưa con đến trường như bao người khác nhưng không dám nghĩ đến tương lai của con, cô lại tiếp tục lên lớp, không chỉ vì công việc mà còn vì cái tâm với những học trò đặc biệt của mình.
Trò đã không phụ công thầy
Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng khoa Phục hồi phát triển trí tuệ của Làng Hòa Bình không khỏi tự hào khi nhắc đến những học sinh sau một thời gian sống, học tập tại Làng đã có những tiến bộ vượt bậc. Các em không chỉ hòa nhập được với cộng đồng như ước mong ban đầu của gia đình, thầy cô mà còn vươn lên trở thành những người có ích cho xã hội. Đó là em Lê Văn Chiến quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Từ khi sinh ra em đã bị khuyết đôi chân đến tận đầu gối do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh. Lên 6 tuổi, Chiến phải ngồi nhà trong khi các bạn cùng lứa được cắp sách tới trường. Một năm sau, thấy con nằng nặc đòi đi học, bố mẹ đành cõng Chiến đến trường. Lãnh đạo Làng Hòa Bình biết tin đã gửi giấy mời Chiến đến khám rồi nhận em gia nhập Làng. Năm 1999, khi tới thăm Làng Hòa Bình, các thành viên của một tổ chức phi chính phủ đã xúc động trước một cậu bé có gương mặt thông minh lại phải ngồi xe lăn đã giúp Chiến có được đôi chân giả. Chủ động trong việc sinh hoạt, học tập, Chiến học tiến bộ trông thấy, vượt hẳn so với mặt bằng kiến thức được học trong Làng Hòa Bình. Chiến được nhận vào Trường PTCS Phan Đình Giót. Việc Chiến tốt nghiệp Trường THPT Trần Hưng Đạo đã là một kỳ tích. Khi biết con muốn thi đại học, bố mẹ Chiến càng băn khoăn không biết sức khỏe Chiến có trụ được không. Chiến đã chọn khoa Kế toán, Trường Đại học Đại Nam để thi vì thấy nghề này phù hợp với sức khỏe của mình. Em là học sinh khuyết tật đầu tiên của Làng Hòa Bình thi đỗ, trở thành sinh viên đại học. Sau khi nhập học một thời gian, Chiến tham gia cuộc thi tin học dành cho người khuyết tật tại Hà Nội và giành giải nhì.
Noi gương anh Chiến, cô bé Thái Thị Nga cũng đã trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2012-2013. Nga quê ở Nghệ An, bố đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị nhiễm chất độc da cam. Nga sinh ra mắc chứng rối loạn sắc tố da, khuôn mặt xinh xắn và toàn thân đều bị nổi những mảng da sần màu đen; trí tuệ cũng chậm phát triển. Gia đình khó khăn, Nga vào Làng từ khi còn rất nhỏ. Sau quá trình học tiểu học ở Làng, em được tuyển vào Trường THCS Phan Đình Giót, rồi vào Trường THPT Trần Hưng Đạo và giờ đã trở thành sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội.
Đó thực sự là một kỳ tích của Nga cũng như "trái ngọt" cho công sức của biết bao thầy cô, y bác sĩ, điều dưỡng ở Làng Hòa Bình...
Tôi còn gặp Đào Đăng Song, chàng thanh niên hơn hai mươi tuổi trong hình hài một cậu bé tại lớp dạy tin học. Sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, Song và em trai bị nhiễm chất độc da cam từ bố và đã vào Làng từ khi còn rất nhỏ. Cơ thể gầy gò, bé nhỏ nhưng Song khá thông minh, đặc biệt có năng khiếu ở bộ môn Công nghệ thông tin (CNTT) và rất khéo tay. Học xong Trường THCS Phan Đình Giót, em tiếp tục hoàn thiện chương trình THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân rồi đi học một khóa đào tạo về CNTT. Hiện nay, Song là tình nguyện viên được giữ lại Làng, được ký hợp đồng trả lương hằng tháng. Song phụ trách lớp dạy tin học, ngoài ra còn dạy các em nhỏ dệt khăn, áo. Cuộc sống của "cậu bé da cam" ngày nào giờ đã sang trang mới...
Năm 2011, trên cơ sở tổ chức lại Làng Hòa Bình, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Hà Nội với quy mô 200 giường bệnh ngay trong khuôn viên của Làng. Với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao và nhiều trang thiết bị hiện đại, bệnh viện hiện đã trở thành một trong những cơ sở đầu ngành phục hồi chức năng của Hà Nội. Bệnh viện đã giúp trẻ khuyết tật có thêm nhiều cơ hội điều trị, khám, chữa bệnh và nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng cho những số phận sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi từ di chứng chiến tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.