(HNM) - Từ những đứa trẻ ngây ngô, không làm chủ được hành vi của mình, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của các thầy, cô giáo, các em đã dần dần thay đổi, ngoan ngoãn, lễ phép và biết tự chăm sóc bản thân... Nhiều năm qua, Trường Dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì, Hà Nội đã trở thành mái ấm của rất nhiều trẻ khuyết tật, trẻ thiểu năng trí tuệ.
Cô giáo kiên trì kèm dạy từng học trò chậm phát triển trí tuệ. |
Chứng kiến một buổi học của trẻ chậm phát triển trí tuệ, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả, kiên trì của các cô giáo ở ngôi trường đặc biệt này. "1-2-3, các em đọc theo cô nào. 1-2-3!". Trò "đánh vật" với những con số đơn giản nhất và cô "đánh vật" với trò. Cô đọc "1-2-3", trò đọc "3-2-1", cô lại phải uốn nắn lại "1-2-3..." cứ thế như một "trò chơi" không thể cười được, cho đến khi trò đọc được theo cô thì "cuộc chơi" mới kết thúc. Cô như trút được một gánh nặng, để rồi chuyển sang bài học khác. Có những em không làm chủ được hành vi của mình, nằm lăn ra bàn, gào thét hoặc tự ý bỏ ra ngoài. Thay vì giận dữ, quát mắng, cô giáo lại phải "nịnh", ngọt ngào dỗ dành để trò quay lại lớp và tập trung vào tiết học, nghe lời cô giảng. "Nếu không thường trực nụ cười và thể hiện tình cảm yêu thương trẻ thực sự thì ngày hôm sau rất có thể trẻ sẽ "giận" cô giáo và không đến trường nữa", bà Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì chia sẻ.
Dưới sự chỉ bảo, dạy dỗ tận tình của các thầy, cô giáo, rất nhiều học sinh đã có sự chuyển biến tích cực. Đó là em Phạm Trọng Tình, 8 tuổi, những ngày đầu đến trường thường hay đánh bạn, nhảy từ trên cây xuống, cử chỉ, lời nói hết sức ngây ngô. Sau một thời gian được các cô giáo kiên trì rèn luyện, em đã biết chào hỏi mọi người, khi "tỉnh táo" em còn biết dỗ dành các em nhỏ hơn và làm một số việc cô giáo yêu cầu. Em Nguyễn Thị Kim Dung, 17 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, phải rất vất vả, các cô giáo mới "rèn" được em. Đến nay, Dung đã có trình độ tương đương học sinh lớp 3. Em Nguyễn Thị Lan, 16 tuổi, trước khi đến trường, em không làm chủ được hành vi của mình, không tự chăm sóc được bản thân. Bố, mẹ của Lan không muốn cho con đi học vì không tin vào sự tiến bộ của con mình. Các cô giáo phải đến tận nhà, kiên trì vận động, phân tích để gia đình đồng ý cho Lan đi học. Đến nay, sau 6 năm Lan đã đạt được trình độ của học sinh lớp 3. Ngoài ra, em còn phụ giúp bố, mẹ làm rất nhiều việc trong nhà... Cũng như Tình, Dung, Lan, trẻ khuyết tật trí tuệ học tập ở Trường Dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì luôn được sống trong tình thương và sự bao dung của các cô giáo. Tình thương và sự tận tâm, tận lực của các cô giáo đã giúp các em "nên người" hơn.
Từ những ngày đầu tiên, trường chỉ có 3 lớp với 20 em học sinh, 6 giáo viên. Đến nay, Trường Dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì đã có 6 lớp với hơn 50 học sinh. Các em được miễn hoàn toàn mọi khoản đóng góp. 11 năm qua, trường có khoảng 100 học sinh khiếm thính hoàn thành chương trình tiểu học và học sinh thiểu năng trí tuệ đạt trình độ lớp 3. Ở một số trường dạy trẻ khuyết tật khác có sàng lọc học sinh khi nhập học thì ở đây 100% trẻ khuyết tật muốn đến trường đều được nhận vào học. Nhằm đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ khuyết tật, trường còn cử giáo viên đến từng gia đình có trẻ khuyết tật để vận động đưa các em đến lớp.
Các cô giáo ở ngôi trường đặc biệt này không suy nghĩ nhiều về những vất vả lo toan của cuộc sống thường nhật. Đồng lương ít ỏi, không có thu nhập gì thêm, nhưng những giáo viên đã "trụ" ở đây không một ai muốn chuyển nghề, dù chỉ trong ý nghĩ. Bởi với các cô giáo, các em là những đứa trẻ phải chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, vì thế các em cần phải được bù đắp bằng tình yêu thương, cần được dạy dỗ, chỉ bảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.