(HNM) - Một mùa thi cao đẳng, đại học đã đến, tìm được một nơi ăn nghỉ trong những ngày lưu lại Thủ đô cùng con
Nhà trọ miễn phí
Những ngày này, ngoài công việc tất bật thường thấy của chuyện học nghề và làm nghề, thầy trò Trung tâm đang kê lại bàn ghế, dọn dẹp đồ đạc để có thể đón được khoảng 40 thí sinh và người nhà đến ở miễn phí như mùa thi năm 2011. Thầy Hải bảo, ngay sau khi tiếp nhận các sĩ tử, bộ bàn ghế lớn trong phòng làm việc của thầy cũng sẽ được dẹp đi để trải chiếu phục vụ các em. Mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ quạt mát, bóng điện để bảo đảm ánh sáng và môi trường tốt cho việc ôn thi. Ngoài miễn phí chỗ ở, các em còn được miễn phí luôn tiền điện, nước và được sinh hoạt trong điều kiện an ninh trật tự tốt.
Thầy Hải và các em nhỏ Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Linh Quang. |
Bốn mươi chỗ ở miễn phí, một con số quá nhỏ so với hàng ngàn thí sinh về Hà Nội mỗi mùa thi đại học, cao đẳng. Nhưng có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy được cố gắng lớn đến thế nào của thầy trò Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Linh Quang và nhất là tấm lòng rộng mở của người đứng đầu trung tâm - thầy giáo Trần Duyên Hải. Thường ngày, thầy đã phải khéo thu xếp lắm mới có đủ chỗ cho 60 bạn tật nguyền, lang thang, cơ nhỡ, mỗi người có một góc riêng để học tập và làm việc thường xuyên tại trung tâm. Ngoài những dãy giường tầng san sát, gác xép, mái nhà, góc cầu thang… chỗ nào tận dụng được là thầy trò kê giường, mắc màn. Vì không chỉ có các thành viên thường xuyên học tập, ăn ở tại trung tâm; còn có những người vô gia cư hằng ngày đi làm thuê không có chỗ ngủ cũng tìm đến đây, những người tàn tật, có số phận kém may mắn, trẻ bị bỏ rơi được thầy tìm về, những gia đình có con em khuyết tật cũng tìm đến xin cho con ở lại học nghề…
Vì thế, ngôi nhà 4 tầng trên diện tích 200m2 trong một ngõ nhỏ ở xóm lao động nghèo của phường Văn Chương từ lâu đã là một "địa chỉ đỏ" để nhiều mảnh đời kém may mắn tìm đến. Gọi là nhà bốn tầng cho oai, thực chất nó chỉ là ngôi nhà 3 tầng có sân rộng, được thầy Hải cơi nới, chắp vá, có tiền đến đâu mở rộng ra đến đó. Nhà vì thế mà có rất nhiều cầu thang, nhiều cửa ra vào, lên xuống, đi lại không quan sát cẩn thận là va đập ngay. Chật chội là thế nhưng trung tâm được phân chia khoa học, khu vực nam, nữ sinh hoạt riêng, khu làm việc, học tập, nấu ăn, ngủ cũng hoàn toàn riêng biệt, khá thông thoáng và sạch sẽ. Đầu năm 2012 vừa qua, thầy trò may mắn được một Việt kiều về thăm, tặng cho 5 bộ máy vi tính để các em làm quen với công nghệ thông tin. Nhưng vì trung tâm đã quá chật, vị "mạnh thường quân" nọ lại hào phóng xây giúp thêm căn phòng trên mái xưởng may đo để làm lớp học. Việc này khiến thầy Hải và các bạn mừng lắm. Vì mái nhà bị dột, chưa tìm đâu ra tiền sửa mà mùa mưa bão sắp đến rồi. Nay có lớp học vi tính xây ngay phía trên, thật tiện lợi đôi đường.
Mái ấm của những mảnh đời kém may mắn
Một ngày đầu tháng 6-2012 cũng như bao ngày khác ở Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Linh Quang. Sau bữa sáng đạm bạc, các thành viên của ngôi nhà 25/48 ngõ Linh Quang tự giác ai vào việc nấy. Em học chữ, em ngồi vào bàn may đo, em làm áo cưới… Liên tục có người mới đến nhưng có những em ở trung tâm cả chục năm nay kể từ ngày trung tâm được Nhà nước chính thức công nhận là cơ sở nhân đạo tư nhân, trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2002. Trung tâm có ba hoạt động chính là dạy chữ, dạy nghề và tạo việc làm với sự tham gia của 11 cán bộ, nhân viên và các tình nguyện viên. Các em khi đã biết nghề thì được giới thiệu việc làm ở nơi khác hoặc làm ngay tại trung tâm, được trả lương theo sản phẩm.
Tại tổ làm áo cưới, tôi hỏi chuyện một em trai bị teo hai chân, năm nay 22 tuổi nhưng vóc dáng chỉ như một cậu bé bảy, tám tuổi. Em tên là Vương Văn Đống quê ở Hưng Yên, đã đến ở đây được hơn 4 năm, mỗi tháng được trả lương hai triệu đồng cho công việc ngồi đính hạt kim sa lên áo cô dâu. Nhưng có lẽ nhân vật điển hình nhất ở trung tâm chắc phải kể đến ba bố con "người rừng" Sùng A Páo. Cuối năm 2011, một số tờ báo đăng ảnh, đưa tin về cuộc sống của ba bố con trong hang đá như thời nguyên thủy trên vùng núi cao xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Người cha sinh năm 1942, vợ chết, một mình nuôi ba đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa bé 3 tuổi, một đứa nhỏ hơn đã chết trước khi thầy Hải tìm đến. Người cha già không biết làm gì để sống, đứa trẻ 8 tuổi ngày ngày đi cõng củi thuê, bữa đói bữa nhịn, quần áo không có để mặc. Thầy Hải cùng đại diện MTTQ tỉnh Cao Bằng lặn lội nhiều ngày lên đến tận hang đá nơi ba cha con sống, đón về trung tâm. Hôm gặp chúng tôi, hai đứa trẻ đã khỏe mạnh lên rất nhiều, được học chữ, học múa hát; người cha dù chưa quên được hết thói quen sống hoang dã nay cũng đã biết chào khách, quét nhà.
Hay như em Lý Thị Liều, người dân tộc Dao ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị teo hai chân, chỉ có thể bò. Cha mất sớm, thương mẹ thương em, hằng ngày Liều dệt thổ cẩm đem bán, bò quanh nhà lấy củi, nấu cơm. Rồi đến năm Liều 24 tuổi, hằng ngày, nhìn thấy những đứa trẻ ríu rít rủ nhau đến lớp, Liều cũng bò theo, xin thầy cô cho đi học. Mặc những lời trêu chọc, em bò suốt 5 năm để học hết tiểu học. Biết chữ rồi, Liều lại mong có được một cái nghề làm ra tiền đỡ mẹ. Nhưng ở xó núi này, Liều biết làm gì ngoài việc quanh quẩn trong nhà dệt thổ cẩm với số tiền công quá ít ỏi. Đọc được bài báo, thầy Hải lại lặn lội tìm đến, đón Liều về. Giờ thì Liều đã có công việc may áo cưới ổn định, mỗi tháng gửi về đỡ mẹ nuôi em được hơn một triệu đồng.
Trong tiết mục hát múa "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" của lớp mầm non trong trung tâm, tôi chú ý đến một bé gái xinh xắn múa rất dẻo. Hỏi ra được biết cháu theo mẹ vào trung tâm đã được hơn một năm. Chị Nguyễn Thị Hảo - mẹ cháu, quê ở Hải Dương, vì không chịu được những trận đòn thừa sống thiếu chết của người chồng vũ phu mà ôm con bỏ đi. Lên Hà Nội, chị làm nhiều nghề để sống nhưng không nghề nào lo được cho con hai bữa no. Hai mẹ con tìm về đây, chị được thầy Hải sắp xếp làm cấp dưỡng còn cháu nhỏ được học lớp mầm non. Chị bảo, đúng là như được tái sinh, mẹ con mình đã có cuộc đời mới sau bao ngày vất vả, tủi nhục…
Còn nữa, còn nhiều nữa những thân phận bất hạnh, không nơi nương tựa được trung tâm cưu mang, che chở. Mỗi một thành viên là một hoàn cảnh đặc biệt, khi đến đây, hành trang của các em không có gì ngoài những nỗi nhọc nhẵn, cực nhọc của những số phận kém may mắn. Thầy Hải tâm niệm, không thể nuôi các em hết đời nhưng có thể trang bị cho các em một cái nghề để các em tự nuôi mình. Người khuyết tật phần lớn là hiền lành, chịu khó, bản thân họ cũng không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội, họ cần có công việc để vui, để quên mặc cảm và hơn thế, để sống có ích. Thầy bảo mình chỉ là một trong số rất ít người có thể giúp được các em hoàn thành mong ước đó. Và không chỉ có thầy Hải, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang chung tay cùng thầy để chia sẻ khó khăn với trung tâm, làm bữa cơm của các em có thêm chút thức ăn thay vì chỉ với 6.000 đồng/bữa/em như trước.
Hôm đến làm việc tại trung tâm, chúng tôi gặp đoàn cán bộ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đến trao quà cho các em nhân dịp Tết Thiếu nhi 1-6. Chị Nguyễn Thị Thái Lăng, Chủ tịch Công đoàn cơ quan cho biết, đã nghe nói nhiều đến trung tâm, hôm nay dẫn các cán bộ, đoàn viên đến thăm, chúng tôi rất nể phục tấm lòng và cách làm của thầy Hải. Các em nhỏ cơ nhỡ, tật nguyền về đây thật may mắn khi có nơi ăn chốn ở ổn định, lại được dạy nghề. Nhưng cơ sở vật chất của trung tâm còn nhiều thiếu thốn, những đóng góp ủng hộ nhỏ lẻ chẳng thấm vào đâu. Mong rằng cả xã hội cùng chung tay, góp sức để các em nhỏ tàn tật, lang thang, cơ nhỡ có cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là mong mỏi của thầy Hải - người cán bộ chưa bao giờ trải qua lớp đào tạo nào về giáo dục nhưng lại trở thành người thầy đáng kính của hàng trăm học viên, người dám bỏ nghề, bất chấp sự nghi kỵ, mang tiền bạc, tâm huyết dựng lên một ngôi nhà trọ bình yên để cưu mang những mảnh đời kém may mắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.