So với các ung thư đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt hơn và được coi là ung thư ưu tiên chữa khỏi. Bởi vậy người mắc căn bệnh ung thư này đừng tuyệt vọng!
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư xuất phát từ trong lòng hoặc thành đại tràng hoặc trực tràng. Đây là căn bệnh khá phổ biến, gây tử vong thứ 2 chỉ sau ung thư phổi.
1. Những yếu tố nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng:
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ bệnh viện K, trưởng bộ môn ung thư - trường ĐH Y Hà Nội, những yếu tố sau đây được cho là nguy cơ chính gây nên bệnh ung thư đại trực tràng:
- Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, thức ăn lên men, ướp muối, xông khói, thức ăn gây đột biến gen có liên quan tới ung thư đại trực tràng.
- Một vài trạng thái bệnh lý được coi là tổn thương tiền ung thư:
Viêm loét đại trực tràng mạn tính: Nguy cơ phát triển ung thư từ 20 - 25%.
Bệnh Crohn: Bệnh viêm mô hạt mạn tính của ống tiêu hóa.
Các u lành tính: Polyp kích thước lớn có nguy cơ ung thư rất cao.
Một số hội chứng, bệnh có tính di truyền: Bệnh polyp gia đình.
- Tiền sử gia đình: Nếu thành viên trong gia đình bị ung thư đại trực tràng thì những người còn lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
3. Các triệu chứng ung thư đại trực tràng:
Mặc dù ung thư đại tràng không có những triệu chứng rõ ràng nhưng nếu người bệnh để ý đến các vấn đề sức khỏe của mình thì có thể đặt dấu hỏi với những dấu hiệu sau:
- Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư đại tràng. Các cơn đau bụng thường không rõ ràng và dữ dội mà có hình thức âm ỉ giống cơn đau khi viêm ruột thừa hoặc viêm đại tràng.
Vị trí của các cơn đau thường ở vùng hố chậu phải hoặc hố chậu trái hay vùng thượng vị tùy theo vị trí của ung thư.
- Thay đổi thói quen đại tiện: Phân lúc lỏng, lúc táo bón không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn phân thu nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn phân.
- Đại tiện ra máu: Người bị ung thư đại tràng thường có triệu chứng đại tiện thấy có máu lẫn với phân, máu thường màu xám chứ ít khi có màu đỏ tươi.
- Có khối u: Ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm thường không thấy gì đặc biệt nên ở giai đoạn muộn có thể sờ thấy khối u. Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng tắc ruột.
- Cơ thể thiếu máu, sút cân, xanh xao, đôi khi xuất hiện sốt: Những triệu chứng này thường gặp ở bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn.
4. Tiên lượng và tỷ lệ sống thêm của bệnh ung thư đại trực tràng:
- Giai đoạn 1 - giai đoạn rất sớm của bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật, 94% số bệnh nhân sống được sau 5 năm.
- Giai đoạn 2: Sau khi phẫu thuật trên 82% số bệnh nhân sống trên 5 năm.
- Giai đoạn 3: Sau khi phẫu thuật, 67% số bệnh nhân sống được ít nhất 5 năm.
- Giai đoạn 4: Đối với ung thư đại tràng giai đoạn này, tỷ lệ sống rất thấp chỉ khoảng 11% số bệnh nhân sẽ sống được ít nhất 5 năm.
Nhưng nếu ung thư đã di căn vào gan và các khu vực trong gan có thể loại bỏ bằng phẫu thật thì tỷ lệ sống 5 năm vào khoảng 25 - 40%.
Nhìn chung, tiên lượng của bệnh ung thư đại trực tràng khả quan hơn rất nhiều so với các bệnh ung thư khác, tỷ lệ chữa khỏi và sống thêm trên 5 năm ở các giai đoạn đều khá cao.
Đồng thời, nhìn vào đây, có thể thấy tầm quan trọng của việc tầm soát, phát hiện ra bệnh sớm có vai trò vô cùng quan trọng trọng việc chữa khỏi bệnh ung thư đại trực tràng.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, ung thư đại tràng có tiên lượng tốt hơn ung thư trực tràng do được phẫu thuật triệt căn cao hơn. Tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm từ 40 - 60%.
So với các ung thư đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt hơn và được coi là ung thư ưu tiên chữa khỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.