Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý luận và phê bình kiến trúc: Tìm lời giải từ cuộc sống

Mai Hoa| 11/12/2016 07:26

(HNM) -

Không xa rời thực tiễn

Khẳng định công tác lý luận phải "đi ra từ thực tiễn và áp vào thực tiễn", GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ mong mỏi giới KTS sẽ đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực lý luận theo hướng dựa vào nền tảng tri thức nhân loại nhưng phải ngày càng bám sát thực tiễn hơn. Ông phân tích: Để phát triển công tác lý luận kiến trúc, cần lưu ý xây dựng cả quỹ tri thức tĩnh và quỹ tri thức động. Trong đó, phần "tĩnh" bao gồm khả năng tích lũy, tập hợp tri thức quá khứ, nền tảng tri thức hàn lâm của nền kiến trúc nhân loại, tạo nên tư duy nền tảng cho sự phát triển kiến trúc các thời kỳ, làm "mỏ khai thác" cho giới KTS khi làm nghề. Còn phần "động" chính là khả năng liên tục bổ sung, cập nhật kiến thức ở giai đoạn hiện tại và mang tính chất dự báo.

Có thể thấy, như các chuyên gia chia sẻ, ở đây, vai trò của Viện Kiến trúc quốc gia là rất lớn trong việc trang bị phương diện lý luận cho nền kiến trúc, tập hợp tri thức giúp các KTS có điều kiện thẩm định, kiểm nghiệm, bổ sung, làm mới tri thức, từ đó có định hướng tốt cho tương lai. Viện Kiến trúc quốc gia nên xây dựng Trung tâm Tư liệu nhằm tập hợp quỹ tri thức tĩnh, đồng thời, phải luôn tìm tòi, phát hiện và cập nhật những tài liệu lý luận phê bình kiến trúc hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống.

Chia sẻ thêm về quan điểm "thực tiễn cuộc sống là mạch nguồn để LL&PBKT phát triển", KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh: "Cuộc sống luôn vận động và biến đổi. Kiến trúc cũng vậy. Bên cạnh những lý luận cơ bản có tính giáo trình, kinh viện về xu hướng, phong cách, trào lưu kiến trúc đã có từ lâu nay, đòi hỏi phải có một nền lý luận, phê bình mới, tiếp cận trực diện với thực tế, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống". Ông khẳng định: "Sự tham gia của các KTS giỏi, có kinh nghiệm, có thực tâm, trong đó có nhiều KTS trẻ, sẽ đem đến cho LL&PBKT một luồng gió mới, tư duy, cách nhìn mới, rất riêng, rất thực tế, thẳng thắn, và biết đâu, họ sẽ tạo ra phương pháp luận mới với cái nhìn đa chiều trong LL&PBKT?!".


Những biểu tượng kiến trúc của Singapore.


Cần Chiến lược kiến trúc quốc gia

Không phải ngẫu nhiên mà yêu cầu xây dựng Chiến lược kiến trúc quốc gia được nhiều chuyên gia uy tín ủng hộ, coi như một việc làm cần thiết, cấp thiết trong "gánh nhiệm vụ" của những người làm công tác LL&PBKT. PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục thẳng thắn nêu: "Sự thay đổi của cấu trúc kinh tế - xã hội sẽ làm thay đổi kiến trúc. Chúng ta cần, nên, và phải xây dựng được Chiến lược kiến trúc quốc gia. Trong đó, chính nền tảng LL&PBKT sẽ có tác động rất lớn trong việc xây dựng và làm thay đổi chiến lược kiến trúc".

Xem xét kiến trúc trong hơi thở thời đại, có thể thấy hàng loạt vấn đề đang được đặt ra với giới KTS, bao gồm việc không dùng năng lượng bẩn, không sử dụng tài nguyên nước bừa bãi, phát huy công năng sử dụng theo hướng dịch chuyển từ không gian đơn năng sang không gian đa năng, thân thiện với cộng đồng. Chính vì vậy, quá trình xây dựng Chiến lược kiến trúc quốc gia không thể không đề cập đến nhiệm vụ tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm sự cân bằng về văn hóa, môi sinh trong guồng phát triển chung của xã hội.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục nêu ví dụ: "Sự biến đổi kiến trúc của Singapore đều hình thành từ Chiến lược kiến trúc quốc gia, thích ứng theo từng giai đoạn. Giai đoạn một là "bành trướng đô thị", thì tiếp sau đó, giai đoạn hai ngay lập tức "hồi sinh" các trung tâm nghỉ dưỡng, các công trình góp phần tạo sự cân bằng về văn hóa. Có giai đoạn triển khai ào ạt các công trình cao tầng với mục tiêu trở thành cường quốc phát triển kinh tế, nhưng trước hiện thực tài nguyên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, Singapore đã sớm xác định định hướng chiến lược kiến trúc xanh, đô thị xanh - đi từ ươm những mầm cây cho đến thiết kế, sử dụng công nghệ xanh, tận dụng tất cả các giải pháp thân thiện với môi trường".

"Gói" lại vấn đề, bà Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh: "Chiến lược kiến trúc quốc gia không cần nói rõ từng việc, nhưng phải thấm nhuần tư tưởng cấm ngặt vấn đề lạm dụng tài nguyên, phải tìm kiếm các giải pháp về môi trường, cảnh báo nguy cơ".

Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng thừa nhận yêu cầu cần thiết của việc có được một Chiến lược kiến trúc quốc gia nhằm giúp nền kiến trúc nước nhà phát triển theo hướng vừa hiện đại vừa có bản sắc, hội nhập nhưng luôn gìn giữ được các giá trị truyền thống với cốt lõi là các giá trị về tính ổn định bền vững, tính cộng đồng, tính lưu truyền... Trong đó, ông khẳng định không thể không coi trọng công tác LL&PBKT. Không đơn thuần là lý thuyết khoa học, LL&PBKT phải được nhìn nhận từ thực tiễn, gắn lý thuyết với thực tiễn, nhận diện và đề cao các giá trị bản sắc dân tộc.

Trong một thế giới phẳng với công nghệ phát triển như vũ bão, giới KTS có nhiều cách để tiếp cận, khai thác nguồn thông tin tri thức của thế giới. Vì vậy, việc thay đổi cách tiếp cận về tư duy lý luận là rất quan trọng. Trong đó, có việc đưa ra được những chính sách, chiến lược thích ứng với bối cảnh luôn luôn thay đổi của xã hội, nhằm tạo ra những sản phẩm kiến trúc có trách nhiệm với đời sống, có tác động thay đổi cuộc sống của con người theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, cần có diễn đàn tập hợp được sự quan tâm chú ý của các KTS, có đánh giá, chọn lọc để tạo nên nền tảng lý luận phù hợp thực tiễn. Mặt khác, LL&PBKT cũng cần gắn chặt với truyền thông, cất tiếng nói kịp thời trong những sự kiện lớn của xã hội, để tiếng lòng của người dân, tiếng lòng của giới kiến trúc cùng cộng hưởng, góp phần giúp kiến trúc ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lý luận và phê bình kiến trúc: Tìm lời giải từ cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.