(HNM) - Phong thanh chuyện liệt sĩ trở về sau 42 năm, chúng tôi về thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức tìm hiểu và được nghe câu chuyện
Căn nhà 2 tầng của ông Nguyễn Viết Tuynh ở xóm Đình khá khang trang, sạch sẽ. Tại ban thờ trên gác 2, tấm bằng Tổ quốc ghi công và bức ảnh liệt sĩ đã được tháo xuống. Tấm bằng ố vàng cất trong buồng, còn bức ảnh người thanh niên trẻ mặc quân phục đại lễ, tô màu theo phong cách những năm 80, 90 thế kỷ trước đã mang xuống treo bên tường phòng khách. Đã 42 năm nay, ông Tuynh đảm đương vai con trưởng cụ Nguyễn Viết Điểu sau khi người anh cả nhập ngũ để rồi sau ngày thống nhất đất nước, gia đình nhận được giấy báo tin liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh ngày 8-4-1975 tại "Mặt trận phía Nam", chỉ trước ngày toàn thắng chưa đầy một tháng.
“Liệt sĩ” Nguyễn Viết Thuấn bên ngôi mộ khắc tên mình đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã An Khánh. |
Hay tin có khách, cả gia đình ông Tuynh và các em các cháu kéo về chật nhà. Tiếng trẻ bi bô, tiếng bà mẹ trẻ nựng con trong râm ran ồn ào của câu chuyện, không khí gia đình đầm ấm. Khác với người anh vừa trở về rất ít nói, ông Tuynh là phát ngôn viên chính của gia đình, là người dẫn dắt câu chuyện. Nom ông chân chất, vóc dáng đậm đà, khỏe mạnh hơn cả trong mấy anh em. Nhiều lúc ông nghẹn ngào, rơm rớm nước mắt khi kể chuyện cũ và quá trình đi tìm người anh liệt sĩ… Người liệt sĩ vừa trở về vóc dáng nhỏ chắc, ngồi dựa lưng vào tường, tay xoa cằm, hai cánh tay gân guốc, hấp háy mắt nhìn quanh. Tôi nắm tay ông, bàn tay đầy chai sần sùi. Tôi sờ vết sẹo sau tai trái ông, vết sẹo nhỏ nhưng ở chỗ thật hiểm ác. Một mảnh đạn pháo của địch găm vào đó. Xa quê hơn 40 năm, giờ ông Thuấn nói giọng Nam bộ. Ông kể, mảnh đạn nhỏ xíu vậy nhưng máu chảy nhiều lắm; ông mê man hai ngày trời, quân y khiêng đi trong rừng, ông không hay biết gì. Tôi cứ nghĩ, nếu mảnh pháo chỉ chệch đi nửa phân, phá tung động mạch cảnh hay nó chui sâu hơn vài milimét vào não, hẳn ông Thuấn đã thật sự thành liệt sĩ, làm gì có ngày về lại quê hương. Nghe ông Thuấn trả lời, quan sát cách ông đi lại, nói năng, thấy ông thật hiền lành nhưng vẫn có cái vẻ ngang ngang khác người, có thể do ảnh hưởng của vết thương.
Hỏi ông Thuấn ngày bé ở nhà sống như thế nào, học hành ra sao, ông cười ngượng nghịu: "Thì cũng đi mò cua bắt ốc, nghịch quá trời, học không vô, bốn năm không lên được lớp hai nên bỏ học, mù chữ luôn". Năm 1971, tròn hai mươi tuổi, Thuấn nhờ người viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vì "đất nước bom đạn ác liệt, mình tính quân tử mà", chắc ông muốn nói đến chí trai thời loạn. Mặc bộ quân phục mới, Thuấn khoác ba lô đi bộ lên xã, đến cổng ông quay lại vẫy tay, nói "chào bố mẹ, con đi đây, không về nữa đâu" rồi hai tay đút túi quần ra nơi tập trung. Ngày ông lên đường, có cô gái cùng làng đã hẹn ước, ông khoe "cũng tâm sự mấy lần", hai nhà đã có cơi trầu qua lại, cô gái tặng ông chiếc khăn mùi xoa thêu hai con chim, con bay con đậu và hẹn một lòng chờ Thuấn… Kể về chị Sơn, người lẽ ra đã trở thành chị dâu mình, ông Tuynh nghẹn ngào, trào nước mắt, chị ấy tốt lắm, những năm anh Thuấn đi bộ đội, chị thường xuyên qua lại, chăm sóc bố mẹ người yêu như bố mẹ đẻ. Ngày nhận giấy báo tử anh Thuấn, chị chết lặng, xin làm con nuôi gia đình. Năm 1977 chị lấy chồng là anh bộ đội từ chiến trường về, năm ấy chị đã 26 tuổi, cái tuổi ở nông thôn thời ấy là đã muộn chồng. Cả một phần tuổi xuân, cũng như những người con gái, những người đàn bà hậu phương miền Bắc những năm chiến tranh người con gái An Khánh đã nén lòng dập tắt những khao khát xuân thì để rồi vò võ chờ đợi trong hy vọng mong manh một người đàn ông ra trận.
Ông Thuấn không nhớ mình đã ở đơn vị nào. "Thì c4, thuộc Trung ương nè", là đơn vị pháo mặt đất 105 ly. Ông bị thương trong trận đánh ở Gò Dầu, Tây Ninh năm 1973. Đồng đội khiêng ông đi trong rừng về hậu cứ, nằm Trạm quân y T23 một thời gian, ông được chuyển về T28 trên đất Campuchia "an dưỡng hai tháng rồi đơn vị về nhận quân, rước đi trong rừng mấy ngày, không có nhớ gì mấy đâu, liên tục hoạt động trong rừng nên không nhớ ngày tháng".
Lan man câu chuyện, đến đoạn ra quân, ông Thuấn lại nhớ khá rành mạch: "Tôi ra quân tháng 6-1976, khi đó thuộc đơn vị c4, d4, Quân khu 9, đóng ở huyện Long Hồ, tỉnh Sóc Trăng, à quên, Long Hồ ở Vĩnh Long chớ". Cầm quyết định ra quân và hơn trăm đồng tiền thanh toán chế độ, Trung sĩ pháo thủ Nguyễn Viết Thuấn về thẳng Sài Gòn, ngoảnh đi ngoảnh lại đã tiêu hết sạch, không còn tiền mua vé về quê. Ông quay lại, xin về đơn vị cũ nhưng không được, bèn về nơi trước đây đơn vị đóng quân. Anh lính trẻ người Bắc được gia đình cô Bảy, dượng Bảy ở ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang cưu mang, cho ở trong nhà như con cháu, rồi làm mai cho cô cháu họ là Lê Thị Nhanh bằng tuổi Thuấn nên đôi. Chị Nhanh đã qua một lần đò, chồng hy sinh trong kháng chiến, có hai con riêng. Khoảng tháng 8, tháng 9 năm 1976, họ về ở với nhau, không cưới xin, đăng ký hôn thú. Từ đó, cuộc đời Thuấn như con thuyền phiêu dạt đã về bến đậu. Người đàn bà An Phú đã bù đắp cho anh lính quê An Khánh những gì chiến tranh lấy đi: Một mái ấm gia đình, một hơi ấm đàn bà và bầy con ba đứa.
Cùng về quê nhận họ với cha, có Nguyễn Viết Sang là con trai ông Thuấn, con dâu Nguyễn Thị Dung cùng cô cháu gái lên 5. Nghe tôi hỏi chuyện, Sang cứ cười ngượng nghịu, mặt cúi cúi không dám ngẩng lên. Cô Dung con dâu ông Thuấn cho biết: "Dạ con ở nhà đi bán sữa đậu. Dạ, bán dạo, con gánh đi bán dọc đường, bà con thương thì mua cho, còn anh Sang chạy xe ôm. Mẹ con bán bún ngay cửa nhà. Dạ, đủ ăn, hết ngày hết tiền, mai lo tiếp, bác". Nhà quá nghèo, các con không đứa nào được học hành, đều mù chữ như cha, đó có thể là một trong những lý do khiến ông không liên lạc với gia đình ngoài Bắc.
Để phụ giúp vợ con, ông Thuấn ngày ngày đi làm thuê làm mướn. Ông kể mình chuyên đào gốc cây, dùng không hết thì bán lấy tiền mua gạo. An Phú giáp Campuchia, còn nhiều cây, nhiều rừng, người ta chặt cây làm nhà, làm cột, cho ông cái gốc. Nhìn người đàn ông 63 tuổi nhỏ bé mang trên mình vết thương hiểm, nắm bàn tay chai sạn của ông, tôi cứ rưng rưng nghĩ đến cái sức sống ghê gớm của những con người đã trải qua bao đạn bom ác liệt, bao vất vả thiếu thốn, vật lộn với miếng cơm manh áo để tồn tại nơi vùng quê biên viễn. Ông Thuấn trụ được là nhờ sự cưu mang của những người dân nơi ông đã đổ máu và gắn bó hơn nửa đời mình. Ông tham gia sinh hoạt đầy đủ các tổ chức đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân… Người dân An Phú ai cũng biết, cũng thương anh bộ đội người Bắc hiền lành, chăm chỉ, lại vô tư, ngang ngạnh bất cần hệt như các anh Hai Nam bộ. Đã nhiều người hỏi han, khuyên ông tìm cách liên lạc với gia đình nhưng một phần do ảnh hưởng của vết thương khiến ông nhiều khi lãng đãng, nhớ nhớ quên quên, một phần do tính tàng tàng của ông nên câu chuyện tìm về quê hương của người cựu chiến binh mãi mới thực hiện được.
Trời đã trưa, nắng như đổ lửa, chúng tôi cùng anh em ông Thuấn ra Nghĩa trang Liệt sĩ xã An Khánh chụp tấm ảnh ông bên ngôi mộ khắc tên mình. Thắp nén hương khấn các liệt sĩ và người nằm dưới tấm bia mang tên Nguyễn Viết Thuấn chứng giám cho lòng thành và cảm thông với những điều trớ trêu do chiến tranh để lại, chúng tôi mau chóng hoàn thành công việc. Ông Thuấn thản nhiên làm theo hướng dẫn, cứ như đó là bổn phận của mình.
Tôi hỏi ông Thuấn: "Bao nhiêu năm qua, sao anh không tìm về quê?". Nghe ông trả lời, tôi lại nhận ra cái ngang ngạnh vô tư đến vô tâm. Ông nhẩn nha, âm sắc giọng kim: "Dạ, do hoàn cảnh rồi do cứ lãng mãng đi nơi này nơi khác, không có tiền có bạc mà về quê. Về quê mà thua sút với anh em nên không dám về. Khi mấy em vô tìm, tôi nhận ra chứ, tôi nói cha là Nguyễn Viết Điểu, mẹ là Lê Thị Thiệp, trước nhà có cái sân Hợp tác xã, tôi nhớ từng ly từng tí, đường về chùa Tổng này, đường về thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây này. Rồi anh em ôm nhau mà khóc, mấy hôm sau các em rước tôi về ngoài này… Dạ, lý do chỉ chừng đó thôi".
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.