Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý Hùng chỉ mong "Tây Sơn hào kiệt" huề vốn

Theo Vnexpress| 07/05/2010 15:02

Với vốn thực hiện lên 14 tỷ đồng, phim được kỳ vọng là 'bom tấn' của điện ảnh Việt. Nhưng khán giả đã đón nhận tác phẩm của hãng Lý Huỳnh với cảm xúc hoàn toàn trái chiều.

Một cảnh chỉ đạo diễn xuất trên phim trường "Tây Sơn hào kiệt". Ảnh: Phan Thành Tín


Đạo diễn Lê Bảo Trung, người từng thử sức với phim dã sử Lục Vân Tiên bày tỏ ý kiến ủng hộ Tây Sơn hào kiệt: "Đây là bộ phim khá hoành tráng, thể hiện được tâm sức của người làm phim và truyền được cảm xúc cho người xem. Chúng ta chưa có phim trường cho phim dã sử... Mọi khó khăn đều dồn vào kinh phí và tài xoay sở của nhà làm phim tư nhân nên để làm được một phim như Tây Sơn hào kiệt là đáng trân trọng".

Bên cạnh những ủng hộ mang tính khích lệ tinh thần, thực tế, lượng khán giả đến xem Tây Sơn hào kiệt dần giảm nhiệt so với cao điểm là các ngày lễ 30/4 và 1/5. Khá nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho điều này, như: bộ phim thể hiện tư duy cũ kỹ trong cách dàn dựng nội dung, bối cảnh, nhân vật; kỹ thuật làm phim chưa cao...

Anh Minh Đức, nhà ở quận 1, một khán giả bỏ tiền mua vé xem Tây Sơn hào kiệt cho biết: "Xem phim, tôi thật sự chẳng thấy được hình ảnh của một đội quân Tây Sơn hùng mạnh, tinh nhuệ cũng như không thấy được một Quang Trung - Nguyễn Huệ thiên tài quân sự. Cách đánh võ cũng như dàn dựng bối cảnh trong phim còn mang tính ước lệ sân khấu quá cao. Đánh võ mà đúng chất điện ảnh thì xem Bẫy rồng mới thấy thật hào hứng. Theo tôi, đặt ước lệ sân khấu vào phim như kiểu Tây Sơn hào kiệt, trong bối cảnh điện ảnh đang phát triển cao như hiện nay là không còn thích hợp nữa".

Ngoài ý kiến này, trên vài tờ báo cũng xuất hiện ý kiến cho rằng, Tây Sơn hào kiệt đầu tư tiền tỷ nhưng còn quá nhiều sạn, như: cả triều Lê với mọi sĩ phu Bắc Hà đều nói giọng Sài Gòn chứ không phải giọng đúng như vùng miền, hay Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân ở Bắc Hà mà có cảnh hai người dắt tay nhau tình tứ ở bờ suối ghềnh đá Bình Định...

"Những tiểu tiết mà không xử lý được thì làm sao ta có thể trông chờ một tác phẩm lịch sử đúng nghĩa, có thể làm hài lòng những ai tâm huyết với điện ảnh nước nhà", một nhà báo tỏ ý tiếc rẻ ngay sau buổi chiếu ra mắt Tây Sơn hào kiệt.

Không tiết lộ số tiền thu vào sau gần một tuần công chiếu, diễn viên Lý Hùng (đồng thời cũng là đại diện nhà sản xuất phim) cho biết, khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm điện ảnh này, gia đình anh cố làm hết sức với tâm huyết của mình để đóng góp một phần cho việc phát triển dòng phim dã sử, "Gia đình tôi không cần Tây Sơn hào kiệt thu lời, chỉ mong hòa vốn là mừng", Lý Hùng nói.

Tuy nhiên, đến lúc này, doanh thu bộ phim còn quá thấp so với vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng mà nhà sản xuất nêu ra. Điều này cho thấy, đầu tư cao chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Không thể lấy lợi nhuận để so sánh Tây Sơn hào kiệt với Để Mai tính, một phim Việt cùng ra mắt trong dịp đầu hè 2010, nhưng với kinh phí làm phim không quá cao, bộ phim hài tình cảm lãng mạn này đã thành công trong việc thu hút khán giả.

Đoàn làm phim Để Mai tính cũng cho biết đã phải "thắt lưng buộc bụng" và "liệu cơm gắp mắm" rất nhiều trong quá trình thực hiện phim này chứ không dám vung tay. Tuy vậy, phim vẫn có những khung hình đẹp, sang trọng, lối kể chuyện khéo léo, được đánh giá là không thua phim Hollywood. Bên cạnh đó, từ khi bộ phim chuẩn bị bấm máy đến khi sắp bước vào giai đoạn hậu kỳ đều được đưa tin liên tiếp trên các phương tiện truyền thông… gây nhiều tò mò chờ đón trong khán giả.

Điều đó cho thấy, tiền đầu tư nếu không đi kèm với tư duy làm phim tốt kết hợp với nhiều yếu tố khác, trong đó có cả chiêu thức quảng bá, thì sẽ khó hấp dẫn khán giả. Tây Sơn hào kiệt chỉ đánh mạnh vào việc làm phim mà hụt hẫng ở khâu quảng bá bài bản và dồn dập như đoàn phim Để Mai tính đã thực hiện.

Thực tế này cho thấy, khán giả vẫn nhiệt huyết trông chờ vào những tác phẩm điện ảnh nội địa có chất lượng và không quay lưng với phim Việt, dù phim ra rạp mùa hè hay Tết. Ngay cả Tây Sơn hào kiệt cũng thu hút lượng lớn khán giả đến xem với tinh thần ủng hộ phim có đề tài về lịch sử và được nhà sản xuất "chịu khó" đầu tư. Thế nhưng, con số đầu tư sẽ không nói lên điều gì nếu cách làm phim, nội dung phim thực sự chiếm được tình cảm của người xem - yếu tố chính để tạo nên thói quen đến rạp thưởng thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lý Hùng chỉ mong "Tây Sơn hào kiệt" huề vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.