Nhiều nhà sản xuất ô tô đang triển khai những dự án đầy tham vọng với khoản đầu tư khổng lồ nhằm sản xuất pin cho xe điện ngay tại Mỹ.
Tháng 2-2024, nhà máy sản xuất pin với tên gọi Toyota Battery Manufacturing North Carolina (TBMNC) sẵn sàng đi vào hoạt động. Là nhà máy pin đầu tiên của Toyota bên ngoài Nhật Bản, đây là cơ sở sản xuất thứ 11 của Toyota tại Mỹ, trị giá đầu tư lên tới 14 tỷ USD.
Nhà máy sẽ sản xuất pin cho các loại ô tô điện, từ xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV) và xe thuần điện (BEV), dự kiến bắt đầu cung cấp pin cho xe Toyota và Lexus kể từ tháng 4-2025.
Nhà máy sản xuất pin mới này là một phần trong phương pháp tiếp cận "Best-in-town" của Toyota - đầu tư và sản xuất tại địa phương để cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của địa phương thông qua chiến lược tiếp cận đa chiều. Cho đến nay, tổng vốn đầu tư của Toyota tại Mỹ đã lên tới 49 tỷ USD, hỗ trợ hơn 280.000 việc làm trong ngành.
Nhà máy có 14 dây chuyền lắp ráp, với 10 dây chuyền dành riêng cho sản xuất các mô-đun cho xe BEV và PHEV, cùng 4 dây chuyền sản xuất linh kiện cho xe HEV.
Toyota ước tính tổng công suất pin đến năm 2030 có thể đạt 30 GWh mỗi năm, tức đủ đáp ứng sản xuất 400.000 chiếc xe thuần điện với dung lượng pin 70 KWh.
Động thái mới của hãng xe Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh doanh số xe hybrid - chủ yếu tiêu thụ tại Bắc Mỹ - đã tăng 21,1% lên 4,14 triệu trong năm 2024. Con số này chiếm tới 40,8% doanh số toàn cầu của Toyota trong năm vừa qua.
Toyota không phải nhà sản xuất duy nhất đang muốn tăng cường cơ sở sản xuất tại Mỹ. Hyundai cũng đang đầu tư 7,6 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Georgia. Ngoài việc xuất xưởng xe điện Hyundai IONIQ 7 và KIA EV9, cơ sở này cũng sẽ sản xuất pin trong quan hệ hợp tác với LG Energy Solution.
LG Energy Solution cũng là đối tác chính trong dự án nhà máy pin tại Mỹ của Honda. Được đầu tư 4,4 tỷ USD, nhà máy đặt tại bang Ohio này có thể đạt sản lượng pin hằng năm khoảng 40 GWh.
Việc các nhà sản xuất đổ xô tới Mỹ để sản xuất pin là xu hướng mới, với nhiều lợi ích tiềm tàng.
Thứ nhất, lâu nay, phần lớn pin xe điện đều xuất xưởng từ Trung Quốc (khoảng 80% sản lượng toàn cầu). Phần còn lại nằm ở Đức, Ba Lan và Hungary. Tuy nhiên, với các chính sách thuế mới mà Washington hướng đến, các nguồn cung truyền thông đều tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi có giải pháp thay thế. Việc giảm lệ thuộc vào các nguồn cung pin từ Trung Quốc cũng là điều các nhà sản xuất ô tô đang hướng tới.
Thứ hai, việc sản xuất tại Mỹ sẽ tạo ra việc làm, cho phép các nhà sản xuất nhận được ưu đãi và sự ủng hộ từ chính quyền. Một số bang của Mỹ như Michigan, Geogria hay Kentucky đều đang có ưu đãi lớn cho các nhà máy pin.
Thứ ba, sản xuất tại chỗ pin cho phép giảm chi phí vận tải, hậu cần, cải thiện về sản lượng. Ở thị trường xe điện đang phát triển nhanh bậc nhất thế giới như Mỹ, đây là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, do hiện nay nhiều nhà sản xuất ô tô và các hãng công nghệ lớn đều hiện diện tại Mỹ, nên đầu tư vào các cơ sở sản xuất pin ngay tại Xứ Cờ hoa sẽ rất "tiện lợi" cho các dự án hợp tác, phát triển công nghệ liên quan.
Thứ tư là việc người tiêu dùng chỉ được hưởng ưu đãi tín dụng thuế khi mua ô tô điện nếu mẫu xe họ mua có phần lớn linh kiện pin được sản xuất ở Bắc Mỹ. Điều này đồng nghĩa, nếu có thể lắp pin "Made in USA" trong xe, các nhà sản xuất sẽ có lợi thế khi cạnh tranh về giá thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.